Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định mục tiêu "phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao".
Khoảng 43,69 triệu USD cho mỗi kilômet đường sắt
Như vậy, việc triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần phải đầu tư đường sắt tốc độ cao để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phía Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định đã cùng các bộ, ban, ngành tích cực nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM). Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray.
Đề cập đến việc lựa chọn tốc độ thiết kế, phía Bộ GTVT cho rằng tốc độ 350km/h phù hợp với các tuyến dài từ 800km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam.
Bộ GTVT đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM cuối năm 2027; khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028-2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.
Liên quan đến tổng mức vốn đầu tư án, nhóm tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho biết dự án khoảng 67,34 tỷ USD. Bộ GTVT đề xuất huy động ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nguồn vốn góp các địa phương, nguồn vốn huy động có chi phí thấp, ít ràng buộc, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm.
Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân cần bố trí cho dự án khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương 24,5% vốn đầu tư công trung hạn hàng năm bố trí trong giai đoạn 2021-2025 và giảm xuống còn khoảng 16,2% trong giai đoạn 2026-2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5-5,7% GDP như hiện nay.
Dự báo đến năm 2050, tổng nhu cầu vận tải hành khách của đường sắt khoảng 120 triệu lượt/năm, vận tải hàng hóa khoảng 18 triệu tấn/năm, cho thấy dư địa đầu tư cho đường sắt tốc độ cao rất lớn.
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành toàn bộ dự án như tiến độ dự kiến, Bộ GTVT đề xuất 5 nhóm cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu gồm: đảm bảo khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện; huy động nguồn lực đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp; phân cấp, phân quyền đầu tư.
Thời điểm thích hợp để xây dựng
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà , đầu tư cho đường sắt tốc độ cao là đầu tư dài hạn cho tương lai. Đó không chỉ là một tuyến đường sắt hay một con tàu, mà phải đặt ra mục tiêu tổng thể hình thành ngành công nghiệp có năng lực làm chủ công nghệ, để vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao an toàn, hiệu quả, bền vững.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam đầu tư đường sắt tốc độ cao khi thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 4.284 USD/người cao hơn nhiều nước khi quyết định đầu tư đường sắt tốc độ cao và dự kiến đạt 7.500 USD vào năm 2030 (GDP cả nước ước khoảng 540 tỷ USD).
Nhiều doanh nghiệp lớn cũng khẳng định, việc xây dựng đường sắt cũng mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp nước nhà, thúc đẩy kinh tế quốc gia. Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát nhấn mạnh, tầm quan trọng của Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 70 tỷ USD là công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia trong trung và dài hạn. Doanh nghiệp đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này.
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cũng cho rằng Việt Nam cần đi tắt đón đầu trong đầu tư đường sắt tốc độ cao. Việc sớm xây dựng đường sắt tốc độ 350 km/h nằm trong mục tiêu tiến tới Net Zero (cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Nếu chọn phương án tàu chạy 350 km/h đi từ Hà Nội vào TPHCM chỉ hết khoảng 5,5 giờ, hành khách sẽ chọn đường sắt thay vì hàng không.
Còn theo ĐBQH Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang), đối với dự án đường sắt tốc độ cao cần phải hoàn thiện và trình sớm các thủ tục đầu tư. Là dự án quan trọng của quốc gia, với nguồn vốn lớn, thi công kéo dài, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố… nhiều khó khăn, thách thức phát sinh nhưng dự án càng sớm được triển khai, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại mà còn phục vụ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Sẽ đánh giá tác động đến nợ công
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Trong cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính, ông Lê Tiến Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết hiện nay, Bộ Tài chính tích cực tham gia cùng Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và các thủ tục để trình Quốc hội vào tháng 10/2024 theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Vẫn theo ông Dũng, ngoài dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam còn nhiều dự án đường sắt đô thị triển khai tại Hà Nội và TPHCM cũng là dự án quan trọng quốc gia và cần rất nhiều vốn. Dự kiến trong tuần này Bộ Tài chính sẽ tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá kỹ hơn, do đây là dự án quan trọng quốc gia và huy động nguồn vốn rất lớn. Bộ Tài chính sẽ đánh giá kỹ và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc đầu tư dự án đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua và giao nhiệm vụ cho Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, trong đó có Bộ Tài chính cùng xây dựng phương án cụ thể, để trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Dự án tầm cỡ, đòi hỏi nguồn vốn lớn, việc ngân sách nhà nước tham gia vào dự án này chắc chắn sẽ tác động đến nợ công, cơ cấu nợ công của trong thời gian sắp tới. Do vậy sẽ cần bàn rất kỹ về toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia. Có phương án vốn khả thi để đáp ứng yêu cầu xây dựng dự án.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ làm việc với các cơ quan có liên quan để báo cáo Chính phủ. Khi được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư sẽ có số liệu cụ thể về nguồn vốn, phân kỳ đầu tư; tổng thể cùng với các dự án quan trọng khác và kế hoạch đầu tư công trung hạn, từ đó, sẽ đánh giá tác động lên nợ công và an toàn tài chính quốc gia.
Theo tính toán của Viện Chiến lược và phát triển GTVT trong quá trình xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao, cần nguồn lao động khoảng 263.700 - 332.300 người. Trong đó, giai đoạn 2025 - 2030 cần khoảng 111.280 - 160.020 người; giai đoạn 2030 - 2040 cần khoảng 152.420 - 186.280 người và phần lớn phải có tay nghề cao. Giải pháp với nguồn lao động trên là tuyển dụng thông qua đào tạo trong nước, liên kết và đào tạo ở nước ngoài. Dự kiến kinh phí đào tạo khoảng 19.718 - 24.096 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án cần khoảng 13.880 người để khai thác vận hành, trong đó lao động trực tiếp là 11.050 người, kỹ sư cần khoảng 2.349 người...