Lá cờ trên Tháp Rùa năm ấy…

ĐĂNG NGỌC 30/07/2023 15:16

Tháp Rùa - Hồ Gươm tưởng như chỉ gắn liền với huyền thoại và được soi bóng trong văn, thơ, nhạc, họa… Nhưng sử sách cách mạng của Thủ đô còn ghi lại câu chuyện mà ít người biết tới - người cắm cờ trên ngọn tháp vào dịp sinh nhật Bác Hồ, cách đây 75 năm. Người đó là Nguyễn Sỹ Vân.

Giờ phút định mệnh

Liệt sĩ Nguyễn Sỹ Vân thời trẻ.

Hình ảnh Nguyễn Sỹ Vân đập vào mắt tôi khi lướt xem trưng bày chuyên đề “Mầm xanh trên đá” do Khu Di tích lịch sử Hỏa Lò chuẩn bị nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/2023).

Thực ra, tên tuổi của nhóm học sinh trường Chu Văn An, trong đó có anh Vân tham gia cách mạng bị tù đầy trong Hỏa Lò, rồi hy sinh như thế nào tôi đã từng nghe, nhưng lần này phải tìm hiểu cho thật tường tận về liệt sĩ Vân.

Mặt tiền của số nhà 50 phố Hàng Bài, Hà Nội thay đổi quá nhiều, còn căn nhà cùng số, đi sâu vào vài chục bước chân mà gia đình liệt sĩ Vân từng sống thì thay đổi chút ít. “Căn hộ mà hai anh em chúng tôi đang ở, trước kia là mảnh đất vườn, được bố mẹ chia cho, chật chội một chút, nhưng rất ấm cúng”. Câu chuyện giữa tôi và ông Nguyễn Đình Giáp, em của liệt sĩ Vân, vừa mới bắt đầu như vậy thì một người đàn ông tóc bạc trắng, quắc thước bước vào.

Ông Giáp giới thiệu: “Đây là ông Nguyễn Đình Tân, em kề dưới của anh Vân”. Ông Tân bắt nhanh vào câu chuyện, những kỷ niệm xa xưa về người anh trai cứ trào lên trong ông qua giọng kể nghẹn ngào: “Tháng 12 năm 1946, khi toàn quốc kháng chiến, anh Vân theo gia đình tản cư về huyện Chương Mỹ, cuối năm 1947, gia đình mới hồi cư, trở lại thành phố sinh sống. Đầu năm 1948, anh Vân vào trường Chu Văn An học tiếp lớp cuối cấp phổ thông cơ sở. Lúc đó chúng tôi còn nhỏ, học lớp dưới, không hiểu thế nào là “cách mạng”, cũng không biết anh tôi tham gia kháng chiến như thế nào.

Thường ngày anh vẫn đi học. Vài hôm trước ngày tìm cách cắm cờ đỏ sao vàng lên Tháp Rùa, anh Vân có đi đâu đó, khi về nhà thấy anh mặc bộ quần áo của anh Khâm - bạn học cùng trường, mẹ tôi hỏi, tối qua con đi đâu, anh nói, con đi xem phim. Nhưng không ngờ, chỉ mấy ngày sau một tai họa khủng khiếp giáng xuống gia đình tôi”.

Ông Tân chỉ tay ra phía cửa nói: “Khoảng gần 5 giờ chiều ngày 25/5/1948, chiếc ô tô chở một người lai Tây đến đây hỏi, quanh đây có ai tên Việt Sơn không? Bà chị họ tôi, là con gái bác Nguyễn Sỹ Hoàng, ở cạnh nhà - trả lời, không có ai là Sơn. Người này hỏi tiếp, có ai học trường Chu Văn An không? Chị tôi trả lời “có”, vậy là hắn xông vào nhà tôi, bắt anh Vân ra ô tô ngay. Tôi chạy theo, đã thấy anh Khâm, bạn anh Vân ngồi trong đó rồi. Mẹ tôi gào khóc thảm thiết… Mấy ngày sau gia đình được biết anh bị giam ở “Nhà Tiền”, tức Nhà in Tiến Bộ bây giờ, sau đó chuyển về Hỏa Lò, lập án, một thời gian sau chúng đưa anh tôi về tận nơi đèo heo hút gió - Khe Tù, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh…”

Bí mật treo cờ đêm 18/5/1948

Tháng 10 năm 1947, Pháp cho quân nhảy dù xuống Việt Bắc nhằm tiêu diệt các cơ quan Trung ương của ta. Ở Hà Nội, Pháp cho quân lính kết hợp với bọn tay sai ra sức lùng sục mọi ngóc ngách trong thành, tìm diệt cán bộ và phá hoại cơ sở cách mạng của Thủ đô.

Trước tình hình đó, Thành ủy và Ủy ban kháng chiến phải tìm mọi cách để ứng phó, một trong các biện pháp đó là tổ chức lại hệ thống chính quyền ở 34 khu phố nội thành và 5 quận ngoại thành; Mở rộng phong trào toàn dân kháng chiến trong học sinh, sinh viên.

Trường Chu Văn An là trường đầu tiên hình thành Tổ học sinh bí mật kháng chiến, Tổ gồm có: Nguyễn Văn Khâm, Nguyễn Sỹ Vân, Nguyễn Trọng Quang…, Nguyễn Văn Khâm là người bắt mối, sau đó trở thành Tổ trưởng và là cơ sở tin cậy của Công an quận 6 (Hà Nội). Công an quận 6 do ông Hồng Hà (tức Quỳ) làm quận trưởng.

Ông Quỳ báo cáo kế hoạch treo cờ trên ngọn Tháp Rùa vào dịp sinh nhật Hồ Chủ tịch (19/5/1948) với cấp trên và được phê duyệt. Nhiệm vụ này trao cho Tổ học sinh bí mật kháng chiến trường Chu Văn An. Anh Nguyễn Văn Khâm chuẩn bị sẵn cán cờ, lá cờ, việc quan trọng nhất là bơi ra hồ để cắm cờ. Công việc phải tuyệt đối bí mật, vì bốt Hàng Trống của Pháp (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm) ở gần Bờ Hồ. Đêm 18/5, anh Khâm cảnh giới, hai anh Nguyễn Sỹ Vân và Nguyễn Trọng Quang bơi ra Tháp Rùa làm nhiệm vụ. Và họ đã hoàn thành.

Nhưng ngay hôm sau, bọn địch ở bốt Hàng Trống và Tòa Đốc lý gần đó nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng, chúng giật mình: “A, Việt Minh đã hiện diện”, lập tức sai quân ra tháp giật cờ. Dù lá cờ đỏ chỉ phần phật trên ngọn Tháp không lâu, nhưng đã được nhiều người dân chứng kiến và truyền tai nhau: “Việt Minh treo cờ ở Tháp Rùa. Cờ đỏ sao vàng tung bay giữa Hồ Gươm”.

Sự kiện đó như một bằng chứng hùng hồn về sự hiện diện của cách mạng ở ngay giữa lòng địch, thể hiện tinh thần quật khởi của người dân Thủ đô, lòng người phấn chấn, tin tưởng rằng, sau khi Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi thành phố, đến nay lực lượng kháng chiến đã “ra mắt” dân chúng. Lá cờ đỏ sao vàng trên Tháp Rùa đã vẫy gọi nhân dân hướng về Chính phủ kháng chiến, tin tưởng cuộc kháng chiến sẽ thành công. Việc làm của Tổ kháng chiến bí mật trường Chu Văn An đã đi vào lịch sử. Hai anh Khâm và Quang cũng bị bắt vào Hỏa Lò, một thời gian sau chúng đưa đi và bị bắn ở Phùng, còn Nguyễn Sỹ Vân đã hy sinh nơi ngục Khe Tù, Tiên Yên.

Tháp Rùa - Hồ Gươm ngày nay. Ảnh: Đức Huy.

Hành trình em đi tìm mộ anh

Vẫn giọng nghẹn ngào, ông Tân kể tiếp: “Năm 1952, ông Trần Hiền là cán bộ kháng chiến (sau này công tác ở Công an Hà Nội) có báo cho chị gái tôi là Lan biết: Anh Nguyễn Sỹ Vân vượt ngục, ra tới vùng Ba Chẽ thì bị chúng bắt lại, tra tấn đến chết ở trại giam Khe Tù, Tiên Yên ngày 7/11 (âm lịch) năm 1948.

Ông Nguyễn Đình Tân.

Gia đình tôi lấy ngày này là ngày làm giỗ anh Vân. Thật đau xót, nhưng lúc ấy còn kháng chiến, gia đình cũng không có điều kiện tới viếng anh được. Mãi sau này gia đình có thêm thông tin: Đầu tháng 11/1948, anh Nguyễn Đức Minh, người bị tù cùng anh Vân, hai người đã đấu tranh quyết liệt, không hề khai báo gì về cơ sở cách mạng và phản đối chế độ hà khắc của nhà tù, rồi bàn nhau trốn trại, nhưng không thuộc địa hình nên bị bắt trở lại và bị tra tấn tàn khốc, bị bỏ đói 3 ngày. Anh Nguyễn Sỹ Vân đã bị đánh đến chết. Còn anh Nguyễn Đức Minh hết hạn tù trở về. Sau này anh công tác ở Bộ Công an, được phong hàm Thiếu tướng.

Sau hòa bình lập lại, với sự giúp đỡ của ông Nguyễn Đức Minh và ông Trần Hiền, anh Nguyễn Sỹ Vân được công nhận là liệt sĩ vào ngày 15/6/1960. “Nhiều lần dò tìm phần mộ anh tôi nhưng không được, gia đình rất khổ tâm.

Năm 2000, tôi quyết tâm đi tìm mộ anh trai. Trước đây tôi là cán bộ của Ủy ban khoa học, không tin vào những chuyện tâm linh, ngoại cảm tìm mộ, nhưng từ khi có Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, thấy đời sống tâm linh của con người đã và đang được nhìn dưới ánh sáng của khoa học. Cũng có một số nhà ngoại cảm của Trung tâm này tìm được mộ của người thân mà báo chí đã đăng. Tôi cũng thử trường hợp của anh tôi xem sao. Gia đình đã nhờ tới ông Liên, khi đó làm việc cho Trung tâm này tiến hành tìm mộ anh tôi theo chỉ dẫn. Sau hai lần đi không xác định được gò đồi nào là nơi có xương cốt anh tôi. Nhưng tôi không bỏ cuộc, cuối cùng tôi đã tìm được mộ của anh tôi ở Khe Tù, Tiên Yên".

Trong hành trình tìm mộ anh Vân, gia đình đã được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Nguyễn Đức Minh - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Lực lượng (Bộ Công an) và Ban liên lạc Học sinh kháng chiến Hà Nội như anh: Trịnh Văn Bảo, Đào Bá Giáp. Đặc biệt phải kể tới gia đình ông Lương Quốc Trung ở Tiên Yên, mỗi lần về tìm mộ anh Vân, đều được gia đình tạo điều kiện ăn ở như người thân.

Tháng 10/2001, gia đình cùng các tổ chức liên quan, đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Sỹ Vân về làm lễ truy điệu tại phường Hàng Bài rồi đưa về quê cha đất tổ ở Hải Dương. Có thể nói đây là câu chuyện ý nghĩa sâu sắc gắn với Tháp Rùa bên cạnh những truyền thuyết lịch sử ngàn năm hoàn kiếm của vua Lê.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lá cờ trên Tháp Rùa năm ấy…