Vào dịp Tết Mậu Tuất, tôi đến thăm nhà giáo sư, viện sĩ Đào Vọng Đức, nguyên viện trưởng Viện Vật lý Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành về nghiên cứu và xét duyệt lịch quốc gia, thấy trên bàn làm việc của giáo sư có hai cuốn sách khổ lớn, đều dày trên 1500 trang.
Ông Nguyễn Văn Chung và bộ sách đồ sộ mới xuất bản.
Sách mới xuất bản của tác giả Nguyễn Văn Chung, giáo sư Đào Vọng Đức viết lời giới thiệu: Lịch Việt Nam và cổ học phương Đông (NXB Tài nguyên môi trường và bản đồ Việt Nam 2018); Cửu tinh Phong thủy (NXB Hồng Đức 2018). Tìm hiểu, tôi được biết tác giả đã nhiều năm liên tục nghiên cứu và kiên trì vượt qua bệnh tật để hoàn thành bộ sách độc đáo và đồ sộ như thế...
Ông Nguyễn Văn Chung sinh năm 1932, quê gốc làng đúc đồng Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh). Hòa bình lập lại trên miền Bắc, ông thi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa đầu tiên, theo học ngành sinh vật. Tốt nghiệp loại giỏi, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, được một thời gian do lý lịch “gia đình tư sản”, ông phải chuyển về dạy ở trường cấp 3 Lam Sơn, Thanh Hóa. Ngày đó, ông trưởng ty giáo dục tỉnh nghe phản ánh, thường thấy phòng ngủ của thầy Chung hầu như điện sáng thâu đêm. Ông trưởng ty cảm thấy đây chẳng đơn thuần là chuyện “không tiết kiệm điện”, liền đến tìm hiểu cụ thể. Mới biết, thầy Chung tự nghiên cứu ngoài giờ về giải phẫu các mạch máu ở gan, một vấn đề có ý nghĩa trong giảng dạy và chữa bệnh, thì ông còn chi thêm tiền cho thầy mua hóa chất và dụng cụ mổ.
Cuộc tổng kết phong trào dạy và học “2 tốt” ở Hà Nội, mô hình các mạch máu trong gan của thầy Chung đã được trưng bày. Các bác sĩ của Viện Giải phẫu cùng thời gian đó cũng đã tạo được mô hình tương tự, làm cơ sở tham khảo cho giáo sư Tôn Thất Tùng nghiên cứu phương pháp cắt gan khô, một phát minh nổi tiếng trong nước và quốc tế ngày ấy. Ở xứ Thanh một thời gian, thầy giáo tỉnh lẻ Nguyễn Văn Chung được bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu kéo về làm trợ lý ở lĩnh vực di truyền học. Trong những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, ông đã giúp bộ trưởng đổi mới giảng dạy môn di truyền theo trường phái hiện đại của Mendel-Morgan, loại bỏ được học thuyết lạc hậu ngự trị một thời Mitchurin- Lưsenko.
Rồi đến đầu thập niên 90, đại dịch HIV/AIDS bắt đầu tràn vào nước ta, ông trở thành người đầu tiên biên soạn giáo án về phòng chống nạn dịch này, giảng dạy ở các trường sư phạm, dự bị đại học và phổ thông trung học. Nhưng, một tai họa bất ngờ ập đến đã làm thay đổi cuộc đời ông. Vào năm 1994 ông bị tai biến mạch máu não rất nặng, tai hoàn toàn không nghe được và đi lại khó khăn. Hàng năm trời ông phải vật lộn với cái chết tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Một người bạn vong niên, một bậc thầy trong ngành y là bác sĩ Đặng Văn Chung đã khuyên ông nên quay về sống ở Hà Nội. Trở lại căn buồng nhỏ của gia đình ở 16 ngõ Hội Vũ, quận Hoàn Kiếm ngày ngày ông kiên trì luyện khí công, tập Dịch Cân Kinh (lắc tay) để hồi phục sức khỏe. Vượt qua được những thời khắc hiểm nghèo, song ông không đạp nổi xe và mọi giao tiếp đều phải dùng bút đàm. Và chính từ giai đoạn này ông lại bắt đầu đào sâu nghiên cứu ở hai lĩnh vực có liên hệ mật thiết với nhau của cổ học phương Đông là Dịch học và Lịch học.
Dịch học trong đó có Phong thủy xuất hiện từ thời xa xưa và thời nào cũng được nhiều người quan tâm bởi những ứng dụng thiết thực, hiệu quả trong đời sống. Giờ đây Phong thủy không còn là chuyện huyễn hoặc, đã trở thành một ngành khoa học thực sự được thế giới công nhận. Cuốn Cửu tinh Phong thủy của ông ra đời nhằm gỡ bỏ những khó hiểu, bí hiểm, đặt ra một cách tiếp cận mới về thực hành Phong thủy để bạn đọc rộng rãi dễ ứng dụng. Đi liền với cuốn Phong thủy là cuốn sách lịch Việt Nam.Từ năm 1967, theo Nghị định số 121/CP của Thủ tướng Chính phủ, ở nước ta đã thống nhất cách tính lịch theo giờ pháp định múi giờ 7.
Cuốn Lịch Việt Nam 1901-2010 của tác giả Nguyễn Mậu Tùng ra mắt bạn đọc, được coi là sách chuẩn trong lịch pháp nước ta. Nhưng khi đọc cuốn này, ông Nguyễn Văn Chung phát hiện một chỗ sai: Năm 1908, ngày Đông Chí đáng lẽ phải là ngày cuối cùng của tháng 11 âm lịch, trong sách lại là ngày 1 tháng chạp. Thông qua nhà xuất bản, ông Chung liên hệ được với tác giả và thực sự cầu thị, ông Tùng đã đạp xe tìm đến ngõ Hội Vũ. Phút chốc hai người đều cảm thấy như đã quen nhau từ lâu và hâm mộ tính cách cùng trình độ của nhau (Sau này cuốn sách lịch tái bản năm 2001, ông Tùng đã đề: “Thân tặng bác Nguyễn Văn Chung với lòng mến phục của tác giả”). Trước khi ra về ông Tùng đã nhận lời ông Chung, hàng ngày đến dạy thêm cho ông các kiến thức về Lịch học. Thầy còn giới thiệu cho trò làm quen với một người ngoại quốc là giáo sư Lưu Bảo Lâm, thành viên của IAU (Hiệp hội lịch thế giới). Từ đó ông Nguyễn Văn Chung thụ giáo với cả người thầy mới thông qua việc trao đổi email bằng tiếng Anh.
Người phương Đông xưa tính giờ bằng quan sát bóng chiếu của mặt trời qua một cọc tiêu và vạch thành các điểm xuống đất để xác định 12 canh giờ. Đó là giờ cổ truyền hay giờ địa phương. Giờ cổ truyền có những thay đổi nhất định theo kinh tuyến. Chẳng hạn, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) nằm ở kinh độ 106 độ 38 phút Đông; quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ở 105 độ 51 phút Đông. Vào đầu giờ Tý tại kinh tuyến trung tâm Việt Nam, đồng hồ chỉ 23h 0 phút 1 giây thì giờ Tý địa phương của quận Hồng Bàng là 23h 6 phút 33 giây; quận Hoàn Kiếm là 23h 3 phút 25 giây.
Còn một vấn đề quan trọng nữa trong cách tính lịch vạn niên. Mặt trời đứng bóng ở đâu là 12 giờ trưa ở đó, đấy cũng là giờ thực chính Ngọ của địa phương. 12 giờ trưa của địa phương khác với 12 giờ trưa của đồng hồ, luôn có sự chênh lệch gọi là thời sai. Trị số trung bình của thời sai khác với thời sai của từng ngày tới vài phút. Trong khi cổ học phương Đông không cho phép sai lệch từ một phút đồng hồ trở lên, bởi có thể chuyển từ năm âm lịch này sang năm âm lịch khác, từ tháng âm lịch này sang tháng âm lịch khác và từ ngày âm lịch này sang ngày âm lịch khác. Ngay từ đầu đi sâu vào Lịch học, ông Nguyễn Văn Chung thấy rằng cần hoàn thiện lại cuốn lịch vạn niên, bằng cách tính theo giờ thực địa phương và thời sai của từng ngày trong nhiều năm.
Ngoài ra, ông Chung còn phát hiện “quy luật tam hợp” trong việc xuất hiện 28 vì sao (nhị thập bát tú) theo các trục thời gian năm, tháng, ngày. Như thế sẽ có một cuốn “cẩm nang lịch” mới dùng cho mọi người, dung lượng sẽ lớn gấp nhiều lần cuốn lịch như cách tính cũ mà việc tra cứu sẽ rất tiện lợi, chính xác và dễ dàng. Với một niềm đam mê cùng lòng kiên trì, nhẫn nại đến kỳ lạ, từ khi trở về Hà Nội vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước đến ngày hôm nay, tức là phải mất hơn 20 năm ông mới hoàn thành được cuốn “cẩm nang” như thế.
Để có số liệu đo đạc, tính toán trong ngần ấy năm ông đã đi đến hàng trăm địa điểm khác nhau trên đất nước ta, quãng đường đi đó tổng cộng đã lên tới hàng vài ngàn cây số. Mỗi cuộc đi xa, thể nào trong túi ông cũng có sẵn một tờ báo cũ, mệt quá thì trải tờ báo xuống đất ngồi nghỉ, thậm chí có lúc huyết áp tăng, ông phải vội uống thuốc và nằm tại chỗ cho dễ thở. Nhiều người đi đường, cả công an tưởng ông già gặp nạn vội chạy đến giúp đỡ, ông chỉ có thể ra hiệu cho họ hiểu vì giữa đường xá đâu có điều kiện bút đàm. Nhiều lần ông ra khỏi nhà còn giấu cả vợ con để họ không phải lo lắng cho sức khỏe, cản trở việc ông hoàn thành bộ sách. Sau mỗi chuyến đi, trở về tập hợp được các dữ liệu thực tế, ông lại cặm cụi ngồi trước máy vi tính, dùng phần mềm JPL của NASA (Mỹ) để tính toán, chỉnh lý số liệu, dàn trang bản thảo...
Khi đã hoàn thành được bản thảo của cả hai cuốn sách, ông mất khoảng 3 năm lặn lội đi tìm đối tác xuất bản, ấn loát, phát hành tại các tỉnh, thành phố. Nhiều đối tác từ chối vì công trình quá đồ sộ, phức tạp khó sinh lợi nhuận ngay. Có lần một đầu nậu “cỡ bự” đến thương lượng định mua đứt bản thảo của ông với giá 150 triệu đồng và giao hẹn, ông không được viết thêm cuốn lịch vạn niên nào nữa.
Trước cái giá hời ấy, ông cảnh giác đi tìm hiểu cuối cùng biết được thâm ý của người ấy, sẽ “ỉm” toàn bộ bản thảo đi, vì trước đấy họ đã mất quá nhiều tiền để dịch và phát hành các loại lịch vạn niên của Trung Quốc đang tràn ngập trên thị trường, mà lịch Trung Quốc tính theo giờ pháp định khác Việt Nam (múi giờ 8), ai dùng đều sẽ dẫn đến sai lệch lớn. Và ông đã từ chối việc bán đứt như thế. Cuối cùng thì các nhà xuất bản Tài nguyên môi trường và bản đồ Việt Nam; Hồng Đức đã tạo điều kiện để ông in ấn bộ sách. Một Mạnh Thường Quân trên đất Quảng Ninh, là doanh nhân Bùi Văn Thuấn đã âm thầm khích lệ ông, cùng tài trợ một phần cho bộ sách ra đời.
Theo đánh giá bước đầu của GS.TSKH Hoàng Tuấn, nguyên giám đốc Bệnh viện 19-8, Bộ Công An, cuốn lịch vạn niên Nguyễn Văn Chung được viết một cách chi tiết, chính xác và dễ sử dụng nhất. GS. BS. Hoàng Bảo Châu, nguyên viện trưởng Viện Y học cổ truyền Việt Nam, thì cho rằng cuốn sách đã xác định được giờ thực địa phương, giúp thầy thuốc châm cứu, bấm huyệt chữa bệnh theo giờ, tránh khỏi những thiếu sót, nâng cao hiệu quả điều trị...