Lai Châu: Khó hoàn thiện tiêu chí môi trường

Ngân Hà 19/12/2016 10:10

Là một trong 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng thực tế hiện nay tiêu chí môi trường là tiêu chí đạt thấp và khó thực hiện ở Lai Châu vì còn nhiều khó khăn.

Bà con miền núi vẫn còn thói quen nuôi gia súc xung quanh nhà.

Lai Châu là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với địa bàn rộng, nhiều nơi bà con vẫn còn tập quán sinh hoạt lạc hậu như: chăn thả, nuôi nhốt gia súc gầm sàn nhà; ăn, ở không hợp vệ sinh; việc chôn cất người chết; thu gom, xử lý rác thải; nước sạch… Do đó, việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xã Thèn Sin (huyện Tam Đường, Lai Châu) là xã đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, tiêu chí môi trường đang là trở ngại lớn trong việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã.

Thèn Sìn được biết đến với thế mạnh về phát triển chăn nuôi, toàn xã có 585 con trâu, 2.896 con lợn, 74 con dê. Bởi vậy, đến đây không khó để bắt gặp những hình ảnh chuồng trại chăn nuôi gia súc ngay gần cửa nhà hay dưới gầm sàn hoặc hình ảnh những đàn lợn, gà thả rông đi xung quanh nhà. Cùng với đó, bà con thường xây các nhà vệ sinh tạm bợ, mất vệ sinh... vì để xây một nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại kiên cố cũng phải tốn vài triệu đồng, gây khó khăn cho các hộ, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo.

Đối với việc thực hiện quy hoạch, chôn cất tại nghĩa trang của xã cũng gặp nhiều vướng mắc. Theo đó, bà con mỗi dân tộc có một tập quán chôn cất người đã khuất theo cách riêng và mỗi bản có một khu chôn cất. Bên cạnh đó, có nhiều bản xa trung tâm xã, nên để chôn cất ở nghĩa trang của xã thì phải đi mấy ngày đường mới đến nơi.

Theo ông Ngô Xuân Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường Lai Châu, hiện nay, việc bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu được lồng ghép vào việc xây dựng nông thôn mới. Tỉnh xác định chọn những xã có điều kiện thuận lợi thực hiện tiêu chí môi trường để làm trước.

Theo đó, tại các xã đã thành lập được các tổ vệ sinh môi trường, đồng thời huyện cũng hỗ trợ cho xã các thiết bị, xe đẩy để thu gom rác, cùng với đó người dân cũng tự nguyện đóng góp thêm kinh phí để cho tổ bảo vệ môi trường hoạt động.

Tuy nhiên, theo Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lai Châu, thực tế qua 2 năm hoạt động cho thấy, các tổ bảo vệ môi trường này nếu không có hỗ trợ từ ngân sách thì khó duy trì được lâu.

Đồng thời, khó khăn nhất đó là việc thu gom rác thải sinh hoạt. Hiện tại, ở những xã gần trung tâm huyện vẫn tổ chức thu gom rác thải và mang đến khu chôn lấp chất thải của huyện. Nhưng đối với những xã vùng sâu, vùng xa không có khu chôn lấp rác thải thì khi thu gom xong rồi xử lý ở đâu là cả một vấn đề.

Cũng theo ông Hùng, dù đã tích cực tuyên truyền bà con xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh, xa nhà ở nhưng khi đến vận động bà con thì họ bảo “biết là như vậy nhưng con trâu là tài sản quý nhất nếu không để trong nhà thì kẻ trộm lấy mất”.

“Công tác bảo vệ môi trường được chúng tôi tuyên truyền đến từng thôn bản theo các tổ chức đoàn thể, các chương trình của các hội. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức bà con không khó nhưng để bà con làm theo trong khi chưa đủ ăn, đủ mặc thì là rất khó. Do đó, nếu muốn môi trường xanh sạch đẹp thì phải nâng cao được thu nhập của người dân”, ông Hùng nói.

Đồng thời, ông Ngô Xuân Hùng cho rằng, để công tác bảo vệ môi trường thực hiện hiệu quả hơn cần sớm xem xét điều chỉnh các quy định về phân công, phân cấp trong công tác quản lý môi trường, tránh chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ đặc biệt trong quy định chức năng, nhiệm vụ về quản lý đa dạng sinh học ở cấp tỉnh giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cùng với đó, cần tăng cường tập huấn đào tạo, đào tạo lại cán bộ phụ trách công tác môi trường ở cấp xã; tăng cường kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó tập trung điều tra cơ bản như điều tra các nguồn thải vào môi trường nước; điều chỉnh tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù từng địa phương…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lai Châu: Khó hoàn thiện tiêu chí môi trường