Vốn tín dụng chính sách thời gian qua là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo ở tỉnh miền núi biên giới Lai Châu. Nhờ những nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội mà nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Gia đình ông Phàn Phủ Sang sống ở bản vùng cao Cư Nhà La, xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Trước đây, gia đình ông cũng như các hộ dân khác trong bản quanh năm vất vả làm ruộng nương mà cái nghèo, cái đói vẫn cứ đeo bám. Để thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, năm 2012, ông Phàn Phủ Sang đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, mua máy xát thóc phục vụ dân bản. Số tiền còn lại ông mua 5 con lợn sinh sản để nhân giống phát triển đàn lợn thịt. Nhờ chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi, mỗi năm ông Sang cho xuất chuồng hơn 60 con lợn thịt, thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng.
Ông Phàn Phủ Sang cho biết: “Trước đây, mình làm ruộng làm nương rất vất vả. Được cán bộ xã, huyện động viên nên mình đi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội mua máy xát thóc và mua lợn nái. Mỗi lứa nuôi khoảng 30 con, thu cả trăm triệu đồng. Mình cảm ơn Nhà nước đã có những chính sách cho vay vốn hữu ích như thế này.”
Từ nguồn vốn các chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu ủy thác cho vay thông qua các tổ chức hội, đến nay xã Sùng Phài đã có 308 hộ đang được vay vốn với dư nợ gần 8 tỷ đồng. Xã phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình, hướng dẫn nông dân thực hiện các quy trình kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế địa phương để sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ông Phàn A Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, cho hay nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã Sùng Phài đã phát huy hiệu quả tốt, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm qua từng năm, số hộ khá, hộ giàu tăng lên. Đàn trâu, đàn ngựa cũng tăng vượt bậc so với Nghị quyết của xã, qua đó an sinh xã hội và đời sống nhân dân càng ngày càng khá hơn. Người dân mong muốn Ngân hàng Chính sách xã hội có những gói vay với số tiền vay cao hơn để các hộ có điều kiện phát triển chăn nuôi.
Đến cuối năm 2017, nguồn vốn chính sách xã hội đã tới được 100% thôn, bản của tỉnh Lai Châu, hỗ trợ các hộ nghèo mua hàng trăm nghìn con gia súc, trồng mới hàng nghìn héc ta cây trồng; giúp hơn 50.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm mới và thu hút hàng nghìn lao động; hàng nghìn sinh viên được tiếp cận nguồn vốn vay… Thực tế ấy đã tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trong đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở tỉnh Lai Châu trong những năm qua đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh từ 5-7%. Nguồn vốn tín dụng đã khẳng định tính đúng đắn và phù hợp của chính sách Nhà nước với phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho người nghèo và đối tượng chính sách, giúp người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số có điều kiện sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống.