Sau mỗi buổi chiều đón con ở lớp về nhà, hầu hết các bậc phụ huynh đều hỏi xem nay con ăn uống ở trường như thế nào. Và hầu như câu trả lời quen thuộc là thịt băm, thịt kho tàu, trứng rán, trứng sốt cà chua..
Và nhiều bậc phụ huynh chắc vẫn chưa quên việc hồi năm 2017 Ban Giám hiệu trường mầm non xã Thạch Ngàn, Con Cuông (Nghệ An) đã phải xin lỗi phụ huynh vì bữa ăn cho trẻ chỉ có bún chan nước xương. Hình ảnh về những bát bún trắng tinh không có lấy một gợn thịt hay lá hành mà bà hiệu trưởng nói “đây là món phở được chế biến từ nước hầm xương và miến gạo, đảm bảo dinh dưỡng, hầu hết trẻ đều ăn ngon lành” đã khiến nhiều bậc phụ huynh xót xa.
Thống kê của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta bị suy dinh dưỡng có giảm trong nhiều năm qua nhưng mức giảm không đáng kể. Năm 2008, cả nước có 19,9% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 32,6% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Đến năm 2011, tỷ lệ trên còn 16,8% và 27,5%. Năm 2015 còn 24,6% trẻ bị thấp còi và thể nhẹ cân là 14,1%.
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai- nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta vẫn ở mức có sức khỏe cộng đồng. Với tỷ lệ suy dinh dưỡng như hiện nay, tính trung bình cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu cân và 4 trẻ dưới 5 tuổi có 1 trẻ bị thấp còi. Còn ở các thành phố lớn, bên cạnh số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ thì một số trẻ lại rơi vào cảnh thừa cân, béo phì. Một điều đáng buồn là không chỉ trẻ suy dinh dưỡng mà ngay cả trẻ thừa cân cũng rơi vào tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Hiện cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu máu.
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, suy dinh dưỡng ở trẻ em, nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải kể đến việc thiếu quy định chặt chẽ về chất lượng bữa ăn học đường. Bữa ăn học đường xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh nên thường mỗi nơi một kiểu. Bản thân các trường học cũng xây dựng thực đơn theo kinh nghiệm chứ chưa dựa trên khuyến cáo khoa học. Tại hầu hết các trường học, trẻ tiểu học, THCS có chế độ ăn gần như nhau. Món ăn truyền thống trong các trường là thịt băm, đậu sốt, canh rau… khiến trẻ kén ăn thường bỏ bữa.
Thực tế cho thấy bữa ăn học đường góp phần không nhỏ vào việc cải thiện thể lực, trí lực của học sinh. Ở nước ta, bữa ăn học đường đã có mặt ở hầu hết các trường học, song chất chất lượng ra sao, thành phần dinh dưỡng thế nào lại chưa thật sự được quan tâm.