Tháng 5/2024, niêm yết lãi suất của một số ngân hàng đã tăng khoảng 0,2-0,5% so với tháng 4/2024. Với kỳ hạn 6 tháng, một số ngân hàng như TPBank, GPBank, VietCapitalBank tăng 0,2%. Ở kỳ hạn 12 tháng, các ngân hàng như TPBank, Sacombank, NCB tăng 0,2%; ngân hàng VIB, SeaBank, GPBank tăng 0,3%...
Tại MB, đồng loạt tăng lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 1-15 tháng thêm 0,1-0,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất hiện nay là kỳ hạn 12-15 tháng tăng từ 4,5%/năm lên 4,6%/năm. MB cũng tăng lãi suất huy động đối với tiền gửi của khách hàng tổ chức, áp dụng cho các kỳ hạn 1-60 tháng thêm 0,1-0,2%/năm.
Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.
Nguyên nhân đẩy lãi suất tiết kiệm tái tăng là do tiền gửi của người dân và doanh nghiệp (DN) sụt giảm trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.
Bên cạnh đó, bước sang quý II, cầu tín dụng bắt đầu phục hồi đòi hỏi các ngân hàng phải tính đến việc huy động thêm vốn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tín dụng trong thời gian tới, nhất là khi room tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao 15% từ đầu năm.
Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, lãi suất huy động có thể đã chạm đáy. Nguyên nhân do một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn cụ thể và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm của Việt Nam đã tăng lên 2,09% tính đến ngày 26/4 từ mức 1,84% vào cuối tháng 3.
Mặc dù lãi suất huy động tăng, nhưng các ngân hàng cho biết lãi suất đầu ra không thay đổi trong bối cảnh đang phải hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn, thậm chí nhiều ngân hàng vẫn đưa ra chính sách giảm lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên và tiếp tục đưa ra nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho từng nhóm đối tượng.