'Làm ấm' thị trường lao động cuối năm

LÊ ANH 13/11/2023 07:10

Gần cuối năm, thị trường lao động tại TPHCM vẫn khó khăn khi số công nhân mất việc do doanh nghiệp (DN) cắt giảm hợp đồng vẫn chưa tìm được việc làm mới. Tuy nhiên thị trường lao động cũng đã “ấm lên” nhờ sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng.

Tìm cơ hội việc làm tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Phúc.

Chị Chu Thị Mai Thùy (32 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là một trong các công nhân thuộc Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM) mất việc sau đợt công ty cắt giảm 1.200 lao động từ cuối tháng 12/2022, thế nhưng đến nay vẫn chưa tìm được công việc ổn định. Để có thu nhập, hàng ngày chị Thủy gia công quần áo xuất khẩu thời vụ cho một cơ sở may ở phường Phú Hữu (TP Thủ Đức). Thế nhưng, công việc không ổn định khiến gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Trần Đức Anh (41 tuổi, tạm trú tại phường 21, quận Bình Thạnh) cho biết, từ đầu quý II đến nay đã nộp đơn xin việc làm phổ thông ở một số khu công nghiệp tại huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, thế nhưng đều bị từ chối vì lý do dở khóc dở cười khi đơn vị tuyển chỉ nhận lao động dưới 35 tuổi. Không có việc làm, anh đành xoay sang chạy xe ba gác chở hàng. Nhưng nhu cầu cũng giảm, nên mỗi ngày anh cũng chỉ kiếm được trên dưới 200.000 đồng.

Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM cho biết, theo thống kê từ số liệu tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp mà Sở này nắm được, chỉ trong 10 tháng đầu năm nay đã hơn 142.700 người. Theo bà Trang, con số này so với cùng kỳ năm trước tăng gần 11%.

Tuy rằng, ở thời điểm hiện tại, so với đầu quý II/2023 thì tình hình người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 10 có giảm, nhưng đại diện Sở LĐTBXH TPHCM vẫn bày tỏ lo lắng khi sản xuất kinh doanh của DN tiếp tục khó khăn, dẫn đến người sử dụng lao động không tiếp tục ký lại hợp đồng lao động sau khi hợp đồng hết hạn, hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước hạn. Bên cạnh đó, người lao động nghỉ việc ở các tỉnh lân cận TPHCM đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng làm gia tăng số người nghỉ việc cần được giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Để giải quyết an sinh xã hội, hỗ trợ lao động mất việc, lao động thất nghiệp và người có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới thời điểm 2 tháng cuối năm 2023, Sở LĐTBXH đã có kế hoạch cụ thể và tập trung vào nhóm lao động thất nghiệp, lao động mất việc do DN thu hẹp sản xuất, mất đơn hàng. Sở LĐTBXH sẽ thực hiện các hoạt động kết nối việc làm qua công tác tổ chức 10 sàn giao dịch việc làm để giải quyết nhu cầu việc làm và nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có một sàn giao dịch trực tuyến kết nối với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động trong các DN nhằm giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh.

“Chúng tôi đã sẵn sàng có biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn, không để đình công xảy ra kéo dài, lan truyền giữa các DN, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới. Đồng thời, giám sát tình hình chi trả tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động dịp Tết Nguyên đán” - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM Huỳnh Lê Như Trang cho biết.

Cùng với sự vào cuộc của Sở LĐTBXH, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) cho biết, thời điểm cuối năm DN tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thu hẹp sản xuất và thiếu đơn hàng, tuy vậy trong 3 tháng cuối năm nay tổng nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn sẽ vào khoảng 75.000 lao động. Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu - Giám đốc FALMI, trong số những ngành cần nhu cầu việc làm nhiều nhất vào thời điểm cuối năm nay sẽ tập trung vào khu vực thương mại - dịch vụ với nhu cầu hơn 51.000 chỗ làm việc, chiếm hơn 73% tổng nhu cầu nhân lực. Kế đến là nhu cầu thuộc các khu vực công nghiệp, xây dựng; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Tuy thị trường lao động những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những tín hiệu này sẽ đảm bảo nhu cầu sản xuất - kinh doanh dịp Tết năm nay.

Kết quả khảo sát (tháng 10) của Sở LĐTBXH TPHCM với gần 2.500 DN cho thấy: 51% DN đã duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ nay đến cuối năm, thành phố cần 75.000 lao động. Trong 9 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận có 128.477 trường hợp nghỉ việc tại các DN và đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó số lao động không có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo chiếm 52,84%. So với tháng 8 thì số lao động nghỉ việc nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 9 giảm 28,4% (4.849 người). Điều này cho thấy tình hình lao động, việc làm đang có dấu hiệu cải thiện. Trong tháng 9, Sở LĐTBXH TPHCM đã thực hiện khảo sát tại 2.484 DN về tình hình lao động trong quý 3/2023 so với quý 2/2023. Kết quả cho thấy, DN duy trì ổn định và có tăng mới chiếm 51% tổng số DN trả lời. DN có biến động lao động (vừa tăng, vừa giảm) là gần 28%. Hơn 21% DN trả lời chỉ giảm lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Làm ấm' thị trường lao động cuối năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO