Tại cuộc hội thảo “Đột phá kinh tế từ du lịch” vừa tổ chức tại TP HCM ngày 28/10, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia du lịch, các doanh nghiệp đã ngồi lại với nhau để cùng đưa ra nhiều góp ý quan trọng cho ngành du lịch.
Du khách quốc tế tham quan và mua sắm tại TP HCM.
Theo đó, bên cạnh những thành công thì ngành du lịch nước nhà đang “quẩn quanh” chuyện tăng sản lượng, tăng doanh thu, chứ ít nghĩ đến tạo sự khác biệt, tạo đẳng cấp - yếu tố quyết định đến phát triển du lịch bền vững.
Hơn 1 thập kỷ qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, mấy năm gần đây, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng vọt, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế. Du lịch tăng trưởng mạnh kéo theo hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch phát triển mạnh mẽ.
Các loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch trọng điểm.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam khẳng định, du lịch Việt Nam đủ điều kiện và phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vì chúng ta có nhiều tiềm năng vừa sức người.
Cụ thể, theo bảng xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam để phát triển du lịch được xếp thứ 35/140 thế giới, tài nguyên văn hóa đứng thứ 29. Bên cạnh đó, về nguồn nhân lực, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng những khách sạn, resort đẳng cấp, các doanh nghiệp lữ hành điều hành tour đều lớn mạnh tầm cỡ thế giới, doanh nghiệp điều hành khách sạn, resort làm rất tốt.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, ngành du lịch còn nhiều hạn chế, yếu kém nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng. Không ít cơ chế chính sách còn bó buộc khiến các điểm đến tiềm năng như Phú Quốc, Phan Thiết... chưa thể phát huy hết nội lực; những sản phẩm du lịch làm thay đổi bộ mặt địa phương, được thế giới vinh danh như Cầu Vàng, Bà Nà (Đà Nẵng)... vấp phải sự chỉ trích về môi trường đẩy nhà đầu tư vào rủi ro.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Thái Lan, Trung Quốc có hướng phát triển du lịch khác biệt, đặc sắc nên hút được du khách. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều cái hay nhưng chưa biết làm hay hơn nước bạn. Theo ông Thiên, điều quan trọng, làm du lịch phải chú ý đến đẳng cấp chứ không chạy theo sản lượng du khách năm nay phải tăng hơn so với năm trước. Do đó, khi làm du lịch ngay từ đầu phải hướng tới đẳng cấp, khách đến ít nhưng chi tiêu nhiều. Muốn vậy thì dịch vụ phải tốt để kéo khách đến.
Đặt vấn đề khan hiếm tài nguyên và tài nguyên du lịch của Việt Nam là đẳng cấp cao như Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc... thì phải làm du lịch xứng đáng với tài nguyên đó chứ không thể phung phí được.
Liên quan đến vấn đề này, TS Lương Hoài Nam đề nghị, Chính phủ cần sớm ban hành các bộ tiêu chí về phát triển bền vững, chi tiết đến mức có thể dùng để áp vào các dự án đầu tư du lịch một cách dễ dàng. Qua đó đánh giá dự án có phù hợp hay không, ủng hộ được hay không.
Đồng thời, cấn có cơ chế minh bạch một cách tối đa các dự án du lịch tác động đến thiên nhiên, tài nguyên, văn hóa để dân biết, dân bàn và dân kiểm tra. Từ đó, tăng sự đồng thuận, giảm sự xung đột.
Ngoài ra, theo các đại biểu phát triển du lịch cần gắn với bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Bản thân ngành du lịch cũng cần có sự thay đổi, cách tiếp cận. Các doanh nghiệp đầu tư bất động sản du lịch cần có chính sách phát triển hạ tầng du lịch kết hợp nhiều vui chơi, giải trí và các sản phẩm du lịch độc đáo nhằm tăng thời gian lưu trú và tăng chi tiêu từ du khách.