“Sống chung” với Covid-19 là xu hướng tiếp cận với đại dịch nổi bật tại nhiều nước hiện nay. Tuy nhiên, để chung sống lâu dài trước virus, chúng ta cần phải làm những gì?
Kẻ thù thất thường
Covid-19 là một kẻ thù thất thường. Ngay sau khi chính phủ Anh công bố bản chiến lược cập nhật “Sống chung với Covid-19” vào tháng trước, số ca mắc tại Anh bắt đầu gia tăng trở lại. Theo dữ liệu do Cơ quan thống kê Anh, có gần 4,3 triệu người Anh mắc Covid-19 trong tuần kết thúc vào ngày 19/3, chủ yếu là do biến thể Omicron “tàng hình” (BA.2) - biến thể phụ của Omicron, gây ra.
Bất chấp thực tế này, kể từ tháng 4 tới, Anh sẽ ngừng xét nghiệm miễn phí toàn diện. Nhiều trung tâm xét nghiệm do Trung tâm Y tế quốc gia Anh (NHS) vận hành cũng sẽ đóng cửa. Quy định cách ly bắt buộc nếu dương tính với SARS-CoV-2 cũng được hạ thành hướng dẫn phòng, chống dịch, với một số cắt giảm về hỗ trợ tài chính. Yêu cầu đeo khẩu trang gần như bị bãi bỏ hoàn toàn.
Theo các nhà khoa học, tồn tại một thế giới khác biệt khi đề cập đến hai xu hướng: Sống chung với chủng virus vẫn đang lây lan, phát tán và ngầm thừa nhận virus không còn tồn tại. Nếu như muốn chọn cách thứ nhất, cần phải tránh quan niệm thứ hai.
Việc dỡ bỏ tất cả các biện pháp chống dịch tại vùng England ở Vương quốc Anh đồng nghĩa với việc những người mắc Covid-19 giờ đây được tự do hòa nhập xã hội tại nơi làm việc, trường học, phương tiện công cộng, cửa hàng, nhà hàng. Trong khi virus vẫn đang lây lan không kiểm soát.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc loại bỏ hoàn toàn hạ tầng chống dịch là một chiến lược thiếu tầm nhìn vì không đánh giá đầy đủ nguy cơ xuất hiện biến chủng mới ở bất kỳ đâu trên thế giới. Trung Quốc, nước duy nhất tính đến thời điểm này còn theo đuổi cách tiếp cận “zero Covid”, là một trường hợp đáng để theo dõi trong thời gian tới đây.
Nới lỏng có đáng lo ngại?
Tại Singapore, một loạt các biện pháp phòng ngừa Covid-19 đã được nới lỏng bắt đầu từ ngày 29/3. Giờ đây, người dân Singapore được phép tùy chọn đeo khẩu trang hay không khi hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên, có vẻ như không phải ai cũng muốn nói không ngay lập tức với khẩu trang.
Theo một cuộc thăm dò không chính thức trên Telegram của kênh truyền hình CNA, khoảng 2.500 người (24% số người được hỏi) cho biết, họ sẽ không đeo khẩu trang khi ra ngoài trời nữa. Trong khi đó, 7.900 người còn lại (76%) sẽ tiếp tục tin tưởng khẩu trang. Những người thuộc cả 2 nhóm này nêu ra những lý do như sự bất tiện, hoặc mong muốn duy trì sự thận trọng.
Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore cho biết, trước bất kỳ sự thay đổi nào, sẽ có những người thích đón nhận, một số người muốn đón nhận và một số người có thể không thay đổi.
Tương tự, Giáo sư xã hội học Paulin Tay Straughan từ Đại học Quản lý Singapore cũng cho rằng, sẽ có hai nhóm: Những người vẫn thận trọng và những người coi việc không đeo khẩu trang như một biểu hiện của việc chuyển sang giai đoạn tiếp theo của đại dịch, bởi họ cần một niềm hy vọng.
Tại Tây Ban Nha, bắt đầu từ ngày 28/3, chính quyền nước này quy định, những người mắc Covid-19 chỉ xuất hiệu triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể sinh hoạt bình thường. Xét nghiệm hoặc cách ly tại nhà sau khi mắc Covid-19 không còn là yêu cầu bắt buộc như trước đây. Chỉ những người thuộc nhóm rủi ro cao mới phải tuân thủ quy định đã ban hành, bao gồm người trên 60 tuổi và người suy giảm miễn dịch, cũng như phụ nữ mang thai và nhân viên y tế. Với chính sách này, các vùng ở Tây Ban Nha chỉ còn duy trì một quy định chống dịch duy nhất là buộc người dân đeo khẩu trang trong các tòa nhà công cộng và trên xe buýt, tàu hỏa, máy bay.
Riêng ở vùng Galicia, bệnh viện và viện dưỡng lão vẫn duy trì quy định xuất trình chứng nhận tiêm chủng, giấy xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận khỏi bệnh, cũng như giới hạn số lượng khách hàng mỗi bàn trong nhà hàng. Những hạn chế này sẽ kết thúc vào ngày 9/4.
Trước đó, từ ngày 20/3, Đức cũng đã gỡ bỏ hầu hết quy định phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ duy trì một số biện pháp bảo vệ cơ bản như đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và xét nghiệm để bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong các viện dưỡng lão hoặc bệnh viện.
Tuy nhiên, mỗi bang vẫn có thể áp đặt “các biện pháp điểm nóng” trong một số điều kiện nhất định, như số ca mắc mới Covid-19 tăng nhanh hoặc nếu một biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện. Theo đó, các biện pháp chống dịch có thể được tái áp đặt tại các địa điểm công cộng hoặc chỉ cho phép những người đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính được vào.
Mặc dù vậy, để tái áp đặt các biện pháp này, nghị viện các bang của Đức phải bỏ phiếu và phạm vi điểm nóng phải được xác định rõ ràng. Nhưng các quy định mới dự kiến chỉ áp đặt cho đến ngày 23/9, thời điểm dự báo có thể xảy ra làn sóng lây nhiễm mới vào mùa Thu.
Theo Giáo sư Fisher, chuyên gia tư vấn cấp cao tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, nguy cơ lây lan virus thực sự thấp ở môi trường ngoài trời. Nhưng nếu một người bị nhiễm bệnh và ho khi ở gần bạn dù là ở ngoài trời, thì cũng xuất hiện khả năng lây nhiễm. Đây là lý do tại sao giãn cách xã hội và tự cách ly đối với người có triệu chứng vẫn là biện pháp cần thiết, nhất là khi các quy định về khẩu trang được dỡ bỏ.