Cơn bão Yagi đã đi qua nhưng hậu quả nó để lại vô cùng nặng nề. Sau thiên tai, trẻ dễ gặp khó khăn về tâm lý như sốc, sợ hãi, rối loạn giấc ngủ. Nếu không được hỗ trợ và điều trị có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm, ảnh hưởng sự phát triển.
Theo thông cáo từ Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF), lũ lụt và sạt lở đất do cơn bão Yagi gây ra đã tàn phá Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan, ảnh hưởng đến gần 6 triệu trẻ em và làm giảm khả năng tiếp cận nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và chỗ ở của các em - khiến các cộng đồng vốn đã bị thiệt thòi càng lún sâu vào khủng hoảng. Tại Việt Nam, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn bão Yagi, khoảng 3 triệu người, bao gồm nhiều trẻ em, thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh, làm gia tăng nguy cơ bệnh tật. Khoảng 2 triệu trẻ em cũng không được tiếp cận với giáo dục, hỗ trợ tâm lý xã hội và chương trình dinh dưỡng học đường.
Chia sẻ tại buổi trò chuyện về “Phòng chống tâm lý cho trẻ em vùng lũ”, chuyên gia tâm lý, TS Trần Thu Hương (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho hay: Những thảm họa thiên nhiên như bão, lũ... là điều chúng ta không thể tránh khỏi. Khi bão lũ xảy đến, những hậu quả để lại không chỉ tác động đến người trưởng thành, mà tác động đến tất cả các cá nhân.
Khi bão lũ đến, nó cuốn đi của cải vật chất, gây ra sự chia tách giữa trẻ em với người thân. Việc phải chia tách với người thân, tạo ra sang chấn cho trẻ em, giới chuyên môn gọi là “sang chấn cấp tính”. Trong phân loại các sang chấn, không chỉ có sang chấn tâm lý cấp tính, mà còn có sang chấn mãn tính, sang chấn phức tạp. Trẻ em vừa phải trải qua cơn bão Yagi, vừa trải qua câu chuyện lũ lụt... cực kỳ đau lòng, thì có thể sang chấn cấp tính này đã chuyển sang dạng sang chấn phức tạp. Tức nhiều sự kiện khủng khiếp nằm ngoài khả năng ứng phó đã tác động, cuốn đứa trẻ ở trong vòng xoáy, không thể kiểm soát được cảm xúc lo lắng hay đau khổ của mình. Sau đó, nếu có sự hỗ trợ kịp thời thì sẽ quay trở về được với sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, nếu ở trong thảm họa ấy, các em bị hủy hoại cả sinh kế thì khả năng phục hồi sang chấn rất khó, hoặc từ sang chấn cấp tính hay phức tạp ấy sẽ tạo ra rối loạn về sức khỏe tâm thần, rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Khi cá nhân rơi vào tình trạng căng thẳng sau sang chấn thì khả năng phục hồi sẽ khó khăn hơn nữa.
Chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em và cha mẹ Nguyễn Tú Anh cho rằng, chăm sóc trẻ em gặp sang chấn cần sự hợp tác của nhiều bên, bao gồm gia đình, nhân viên chăm sóc, bác sĩ, nhà tâm lý, giáo dục và cả cộng đồng... Mấu chốt nằm ở việc làm sao cho trẻ cảm nhận được sự yêu thương, chăm sóc, bảo vệ của mọi người. Đó là nền tảng cho mọi sự phát triển lành mạnh, dù cho trẻ có bị sang chấn hay là không.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sự chung tay của cả cộng đồng là bước đi đúng đắn và hợp lý. Những cái ôm, những lời động viên, chia sẻ theo nghĩa rằng cho dù thế nào thì chúng ta vẫn luôn ở bên nhau, không bỏ rơi nhau... đối với trẻ em cực kỳ quan trọng. Sự xuất hiện kịp thời của người lớn không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà cả về tinh thần, nếu được cùng một lúc thì rất tốt. Những đứa trẻ sẽ cảm nhận được rằng mình không bị bỏ rơi, cho dù mình đang ở trong điều kiện cực kỳ mất an toàn.
Người lớn cũng cần cung cấp về mặt kiến thức, chia sẻ cho trẻ hiểu về tình trạng mà trẻ đang phải đối diện là như thế nào? Trẻ em được hỗ trợ ra sao? Những đứa trẻ trong trường hợp này có thể đổ lỗi cho bản thân mình, cảm thấy mình là một phần của sự đau khổ, tạo ra đau khổ cho người thân và chính mình. Người lớn cần lắng nghe trẻ, cho trẻ nói ra những ý nghĩ, quan điểm để điều chỉnh, giáo dục tâm lý và nhận thức lại cho trẻ.
Tiếp nữa, trẻ phải được tiếp cận với bác sĩ, chuyên gia tâm lý và nhân viên công tác xã hội. Bước này cực kỳ quan trọng để giúp trẻ chấp nhận tình trạng hiện tại của mình, hiểu được rằng những đau khổ, sốc tâm lý, chia cắt ấy là nằm ngoài khả năng của tất cả, trong đó có trẻ. Quan trọng nhất là đứa trẻ ấy đang sống, và phải tiếp tục sống. Chúng ta giúp trẻ chấp nhận sự thật, tiếp thêm cho trẻ động lực để mạnh mẽ hơn với biến cố xảy ra.
Bên cạnh công tác ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai, các chuyên gia tâm lý cho rằng, cần lưu ý đến việc phòng, tránh những nguy cơ rủi ro gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ em.
Theo TS Trần Thu Hương, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Truyền thông phải đi trước. Làm sao hỗ trợ, giáo dục cho trẻ em kỹ năng ứng phó, đảm bảo an toàn cả về thể chất và tinh thần khi rơi vào tình huống bị động. Truyền thông bên trong trường học, trong mỗi gia đình là rất quan trọng. Mỗi ông bố, bà mẹ bằng cách nào đó phải là chuyên gia trong câu chuyện đảm bảo sự an toàn cho con. Hàng ngày, hàng giờ trong quá trình tương tác với con cung cấp cho các con kiến thức, kỹ năng sinh tồn để đảm bảo khi con bị rơi vào trong tình huống mất an toàn, con sẽ có cách xử lí. Đứa trẻ phải đảm bảo được rằng mình phải sống. Các phụ huynh khi nói chuyện, làm việc với con bao giờ cũng phải đưa vào nhu cầu ham sống, mong muốn được sống, sống một cách an toàn và lành mạnh. Khi nào cảm thấy đang mất an toàn thì bản năng sống cần được trỗi dậy, để trẻ nỗ lực và cố gắng.
Trường học cũng cực kỳ quan trọng. Dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới cần đặc biệt quan tâm vấn đề thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, dịch bệnh... Tất cả các thầy cô ở bên trong trường học cần phải tranh thủ những giờ làm việc với học sinh, chuyển tải được tới các em sự ham muốn sống, nhu cầu được an toàn là nhu cầu chính đáng, nhưng thay vì đợi người khác tạo ra sự an toàn thì chính các em phải tự chủ động đảm bảo được câu chuyện an toàn về mặt thể chất và kết nối để ứng phó được với tất cả các vấn đề.
Bên cạnh đó là truyền thông của cộng đồng. Bất cứ tổ chức nào cũng cần đảm bảo quyền được sống và sống một cách lành mạnh, an toàn của các cá nhân, trong đó đặc biệt là trẻ em.