Làm giàu từ vườn cây ăn trái

Hoàng Nhị 02/10/2019 13:00

Nhãn xuồng cơm vàng, bơ sáp… là những sản phẩm đặc sản nổi tiếng của Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhãn xuồng cơm vàng được trồng nhiều ở thành phố Vũng Tàu với khoảng 30 ha, tập trung chủ yếu tại phường 11, 12.

Làm giàu từ vườn cây ăn trái

Thu hoạch nhãn xuồng.

Vườn nhãn của ông Bùi Quang Duyệt, phường 12, thành phố Vũng Tàu có diện tích 8.000 m2, trồng 300 gốc nhãn đủ loại như: xuồng bắp cải, xuồng Hai Duyệt, xuồng bao công, xuồng cơm vàng, xuồng cơm trắng... Nếu như mọi năm, vườn nhãn của gia đình ông đạt khoảng 7 tấn thì năm nay trúng mùa nên thu về khoảng 8 tấn. Cùng đó, giá cả tăng cao khiến ông Duyệt vui mừng.

Vụ này, nhãn tại vườn được thương lái thu mua với giá rẻ nhất là 40.000 đồng/kg cho nhãn xuồng cơm trắng; 60.000 đồng/kg đối với nhãn xuồng bao công; 100.000 đồng/kg đối với nhãn xuồng cơm vàng và đặc biệt nhãn xuồng bắp cải được bán với giá 150.000 đồng/kg. Theo ông Duyệt, nhãn bắp cải là giống đặc biệt hiếm, khó trồng, khó chăm sóc nhưng rất ngọt và thơm ngon, cùi dày. Hiện tại, vườn của gia đình cũng chỉ có 13 gốc nhãn bắp cải. Ước tính cả vụ năm nay, vườn nhãn gia đình ông Duyệt thu lãi khoảng 400 triệu đồng.

Ngoài vùng đất cát, khí hậu có một không hai của thành phố biển Vũng Tàu quyết định nên hương vị riêng của nhãn xuồng cơm vàng. Việc chăm sóc, bón phân cũng rất quan trọng. Vườn nhãn nhà ông Duyệt đang trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và được người dân, khách du lịch ưa chuộng, tìm tới tận vườn đặt mua.

Cùng đó, cây bơ đã bén rễ trên vùng đất huyện Châu Đức và trở thành đặc sản của vùng đất này, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng cả về mẫu mã, chất lượng. Một số nông dân đã chọn được giống bơ tốt, cho năng suất và chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Để cây bơ phát triển bền vững, địa phương sẽ thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.

Tại vườn nhà, gia đình anh Đỗ Chiếm Quang (ấp Liên Hiệp 2, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đang thu hoạch bơ chuẩn bị giao cho khách hàng. Theo chia sẻ của anh Quang, giống bơ này cho năng suất cao, chất lượng quả ngon, lại kháng bệnh khá tốt. Do vậy, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rất ít. Ngoài một số phân hóa học vô cơ thông thường sử dụng có liều lượng như NPK, Super lân, Kali Sulphat…, anh chỉ dùng các loại phân sinh học, hữu cơ (phân bò, dê) và một số loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học thân thiện với môi trường.

Vườn bơ của gia đình anh Quang có diện tích hơn 10ha; trong đó hơn 5ha bơ 5 năm tuổi cho trái, 5ha bơ gần 2 năm tuổi đang cho trái bói. Mỗi năm, vườn cho thu hoạch khoảng 600 tấn bơ; trừ chi phí, anh Quang lãi khoảng 1 tỷ đồng. Hiện sản phẩm bơ QM đã có mặt ở các thị trường lớn trong nước như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Nội… Ngoài vườn bơ thương phẩm, anh Quang còn có vườn ươm bơ giống, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 30.000 - 50.000 cây giống được cấy ghép sẵn mang thương hiệu QM.

Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, so với các loại cây ăn quả khác, bơ là loại cây dễ trồng, khả năng thích nghi tốt, có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, đem lại thu nhập ổn định nên được người dân chọn làm cây trồng phát triển kinh tế. Địa phương đã nhân rộng mô hình trồng bơ ra các xã trên địa bàn huyện như: Xà Bang, Kim Long, Láng Lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm giàu từ vườn cây ăn trái