Không hẹn mà gặp, gần đây trên nhiều lĩnh vực của đời sống văn học nghệ thuật các nghệ sĩ, nhà sản xuất đã nỗ lực làm mới nhiều giá trị xưa cũ. Từ việc làm mới tranh dân gian, làm mới xẩm, cho tới dựng lại những vở kịch kinh điển, phối hợp âm nhạc cổ truyền với nhạc jazz... Tất cả, đều hướng tới một mục đích: Đến gần và thu hút với công chúng đương đại.
1. Cách đây ít lâu, đêm hòa nhạc “Dân gian trên jazz/ Dân gian trên dây” tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã thu hút sự chú ý của công chúng khi các nghệ sĩ mang đến một không gian và ngôn ngữ âm nhạc mới lạ đầy biến hóa và cảm xúc.
Người ta gặp ở đây sự thể nghiệm khá táo bạo, khi bốn loại hình âm nhạc truyền thống là chèo, tuồng, cải lương và âm nhạc bản địa mang âm hưởng miền núi Tây Bắc được “trộn” với nhạc jazz. Công chúng gặp ở đây những tên tuổi gạo cội của nghệ thuật truyền thống như NSƯT Nguyễn Ngọc Khánh (kèn sona - Tuồng) & NSƯT Nguyễn Văn Quý (trống chiến - Tuồng), NSƯT Nguyễn Minh Chí (trống - Chèo), NSND Đào Văn Trung (guitar - Cải lương), nghệ sĩ tài năng được biết đến trong nước và quốc tế Nguyễn Đức Minh (sáo pí); cùng các nghệ sĩ nhạc jazz giàu kinh nghiệm và dàn nhạc mang hơi hướng giao hưởng dưới sự chỉ huy của nghệ sĩ cello tài năng Phan Đỗ Phúc.
Dưới sự chỉ đạo của giám đốc âm nhạc là nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, khán thính giả đã được thưởng thức một buổi trình diễn mới, lạ các sáng tác mới kết hợp giữa âm nhạc truyền thống, nhạc jazz, dàn dây và dàn kèn đồng của nhạc giao hưởng. Ngôn ngữ âm nhạc mới mẻ, giản dị, mộc mạc nhưng đầy ngẫu hứng, thăng hoa đã dẫn dắt khán giả qua các cung bậc cảm xúc khác nhau.
Đêm nhạc đã đưa khán giả đến với hành trình cảm xúc hỉ nộ ái ố, được dẫn dắt bởi nét bi ai, trầm lắng trong Hò chiến 7 (Tuồng), nét sôi nổi, vui tươi trong điệu Cách cú (Chèo), chất trữ tình da diết trong Nam Xuân (Cải lương), chất trong trẻo, nguyên sơ trong âm hưởng miền núi Tây Bắc.
Có thể nói, đây là sự thể nghiệm táo bạo các phong cách âm nhạc khác nhau làm nên một sân chơi để các nghệ sĩ tìm được tiếng nói chung thông qua âm nhạc. Nó thể hiện sự gắn bó, am tường các nhạc cụ truyền thống, sự tìm tòi, sáng tạo nên những nhạc cụ mới với chất liệu bản địa như tre, nứa, đất… từ đó mang đến những cách tân trong âm nhạc.
2. Cũng liên quan đến âm nhạc, đó là việc một số nghệ sĩ trẻ đã làm mới xẩm. Trong đó, đáng chú ý là ca sĩ Hà Myo và nhà sản xuất Producer VBK (Thế Phương) kết xẩm với rap và nhạc điện tử (EDM) trong MV “Xẩm Hà Nội”.
Sự kết hợp này tạo nên một bản nhạc hết sức độc đáo, vừa dí dỏm, hóm hỉnh đậm chất xẩm dân gian của đường phố Việt Nam truyền thống với những rộn ràng của Rap đường phố vốn gắn liền với giới trẻ trong những năm qua và nền nhạc EDM đầy chất lửa cuồng nhiệt.
“Khi Hà Myo gửi bài xẩm tôi nghe, ngay lập tức tôi đã bị cuốn hút bởi sự kết hợp độc đáo và đương nhiên tôi đã nhận lời mời làm đạo diễn MV này”, đạo diễn Nguyễn Nhật Giang chia sẻ. Với mong muốn tạo những xu hướng mới phù hợp với hơi thở đương đại mà nó đã toát ra được từ phần âm nhạc, đạo diễn Nhật Giang đã mời những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm tham gia cùng như D.O.P Hoàng Tấn Phát, ở vị trí giám đốc sản xuất là đạo diễn Hoàng Hà Xa...
Hà Myo không phải là nghệ sĩ đầu tiên dấn thân làm mới xẩm. Trước đó, nhóm Xẩm Hà thành với nòng cốt là các nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Khương Cường… đã có nhiều sáng tạo mới nhằm thu hút công chúng đến với xẩm.
Nhiều bài của nhóm ra đời phản ánh những vấn đề “hot” của xã hội như: “Xẩm sai Tiễu trừ cướp biển”, “Xẩm giao thông”, “Xẩm cá chết”, “Xẩm trà đá”… Đặc biệt đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhóm kịp thời giới thiệu MV “Tiễu trừ ”.
Nội dung bài xẩm được viết dựa trên những khuyến cáo của Bộ Y tế, các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch Covid-19 và cảm xúc trước sự đồng sức, quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19 của toàn hệ thống từ các cấp chính quyền, lực lượng y tế, quân đội, công an đến nhân dân.
Tiếp đó, cũng cần kể tới việc Nhà hát Cải lương Việt và Liên đoàn Xiếc Việt phối hợp dàn dựng vở “Cây gậy thần”. Đây là lần đầu tiên, kịch hát dân tộc biểu diễn trên sân khấu tròn và 3 sân khấu nhỏ trên cao, tạo nên nhiều không gian thưởng thức nghệ thuật cho khán giả.
Hai ê-kíp cải lương và xiếc thay đổi thể hiện nhân vật Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nghệ sĩ cải lương vừa ngọt ngào hát, vừa đu bay, cưỡi ngựa trên sân khấu rất ấn tượng. Lồng ghép trong đó là các màn biểu diễn xiếc khiến khán giả trầm trồ, thích thú.
3. Trong lĩnh vực xuất bản, người ta thấy cũng hình thành một xu hướng làm mới các tác phẩm kinh điển. Những danh tác như “Truyện Kiều”, “Lục Vân Tiên”, hay gần hơn là “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng, “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” cũng được làm mới với việc tham gia minh họa của các họa sĩ đương đại.
Đặc biệt, mới đây, cuốn “Việt Nam sử lược” của học giả Trần Trọng Kim cũng được làm mới. Kể từ năm 1920 đến nay, tác phẩm “Việt Nam sử lược” đã được xuất bản nhiều lần. Trong đó, bản in năm 1954 của NXB Tân Việt là bản được chính tác giả Trần Trọng Kim chỉnh sửa lần cuối. Ở bản in đó, tác giả bổ sung, chỉnh sửa nhiều nội dung.
Trong bản in mới ra mắt đầu tháng 12 năm nay, Công ty sách Đông A đã căn cứ vào các bản đã in, đặc biệt là bản in năm 1954 để làm bản nền, từ đó khảo cứu, bổ sung một số chi tiết trong nội dung của các bản in năm 1920, 1928, 1971.
Đơn cử như thêm phần “Chiếu dời đô” có trong bản in năm 1928, nhưng bị cắt trong bản in năm 1954. Bản dịch “Chiếu dời đô” qua giọng dịch của Trần Trọng Kim có sức hấp dẫn riêng, góp phần làm trọn vẹn bản in năm 2020.
Cứ tưởng, làm lại sách xưa là việc đơn giản. Tuy nhiên, như biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân - người trực tiếp rà soát, đối chiếu các bản in “Việt Nam sử lược” do Đông A vừa ra mắt cho biết, việc tái bản “Việt Nam sử lược” thoạt trông tưởng dễ, song khi đi sâu thì vấp phải khá nhiều chuyện.
Lý giải điều này, anh Nhân cho rằng, tác phẩm ra đời cách đây 100 năm do đó không tránh khỏi sai sót khách quan lẫn chủ quan, do điều kiện và thời gian soạn thảo hạn chế, do sự tam sao thất bản qua các lần in. Vì thế, việc tái bản, bên cạnh việc cẩn thận đối chiếu bản in cũ, những người làm sách còn đối chiếu với các bộ chính sử như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” để làm rõ những tồn nghi và hiệu chỉnh sai sót.
Sinh thời, học giả Trần Trọng Kim đã làm 189 chú thích, tuy nhiên đến nay, nhiều từ ngữ, địa danh cần phải chú thích để độc gải dễ dàng nắm bắt. Vì thế, 759 chú thích mới đã được thêm vào, giúp độc giả ngày nay dễ dàng hiểu các địa danh, hoặc những từ cổ.
Việc kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để tiếp tục có sáng tạo mới là một việc làm cần thiết, để các giá trị tinh túy xưa được chắt lọc và hội nhập vào đời sống đương đại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tránh lạm dụng hoặc có những sáng tạo thái quá làm biến dạng và méo mó những giá trị cũ.
Thời gian qua, đã xuất hiện một số cá nhân có những cách khai thác quá đà, hoặc hiểu sai lạc giá trị cha ông nên đã có những việc làm không đúng. Chính vì thế, bên cạnh sự tỉnh táo của các nghệ sĩ, các nhà sản xuất thì rất mong các chuyên gia văn hóa sớm đưa ra những ý kiến đóng góp, phản biện để việc làm mới các giá trị truyền thống luôn đi đúng đường, đúng hướng.