Không hẹn mà gặp, thời gian qua xuất hiện những bộ phim tài liệu về chân dung văn nghệ sĩ hướng tới chiếu tại các rạp trên toàn quốc. Người ta có thể gặp lại Ban nhạc Bức Tường, nhạc sĩ Trần Tiến, và mới nhất là ca sĩ Hồ Ngọc Hà trên phim tài liệu chiếu rạp. Sự chân thực của phim tài liệu khiến nhiều khán giả thích thú, nhưng sức ép cũng đặt nặng lên vai những đạo diễn khi thể loại này thoạt nhìn dễ làm nhưng để hay, hấp dẫn thì khó.
1. Lịch sử điện ảnh Việt Nam có những bộ phim tài liệu hấp dẫn, đến nay vẫn được nhiều người nhắc, như “Chuyện tử tế”, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”… Nhiều phim tài liệu chân dung văn nghệ sĩ cũng đã được sản xuất để chiếu trên truyền hình. Tuy nhiên, làm phim tài liệu để bán vé cho khán giả tới rạp xem, qua đó dựng lên chân dung một văn nghệ sĩ nào đó thì chưa nhiều, chưa thành một dòng, một vệt.
Trong khi đó nhu cầu của công chúng muốn biết về các văn nghệ sĩ nổi tiếng luôn có. Chọn đúng nhu cầu khán giả, hướng vào các fan của nhân vật nổi tiếng để làm những bộ phim chân dung văn nghệ sĩ, được xem là một lựa chọn khôn ngoan trong một thời điểm khó như hiện nay.
Hôm 16/12 vừa qua, bộ phim tài liệu “Rồi một ngày Hà nói về tình yêu” có buổi ra mắt tại TP HCM. Đây là bộ phim dài 90 phút về cuộc sống cá nhân song song với quá trình thực hiện dự án âm nhạc “Love songs 2020” trong suốt 9 tháng qua của Hồ Ngọc Hà.
Thông qua phim tư liệu, khán giả như một lần nữa đắm chìm trong âm nhạc của “Love songs” đồng thời cũng thấu hiểu hơn quá trình thực hiện dự án âm nhạc của Hồ Ngọc Hà trong thời gian thai nghén, thể hiện một hình ảnh khác của Hồ Ngọc Hà đời thường đầy duyên dáng và hài hước khiến khán giả nhiều lần bật cười, nhưng cũng không khỏi rưng rưng trước tình cảm, cách sống mà cô dành cho gia đình, con cái, bạn bè, đồng nghiệp...
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cảnh đắt giá và xúc động nhất trong phim có lẽ là đêm trước khi sinh con của Hồ Ngọc Hà. Đoàn phim đã vào tận phòng ngủ của Hồ Ngọc Hà và Kim Lý để quay. Do có nhiều lúc quay lén, nên chuyện lâm bồn, chuyện ăn uống, sinh hoạt của Hồ Ngọc Hà đã được kể sinh động, chân thật. Phim cũng nói về quá trình yêu, sinh đôi, rồi mới cầu hôn, mới cưới nhau của cặp đôi suốt 3 năm. Nói chung, có rất nhiều chuyện hậu trường và cả thị phi cho những ai muốn biết thêm về Hồ Ngọc Hà.
Cùng phải thực hiện nhiều cảnh quay lén, là phim “Màu cỏ úa” của đạo diễn Lan Nguyên, khi muốn dựng chân dung nhạc sĩ Trần Tiến một cách dung dị, đời thường nhất. “Màu cỏ úa” đã công chiếu trên rạp hồi cuối tháng 11 và nhận được nhiều phản hồi của khán giả.
Với thời lượng 80 phút, “Màu cỏ úa” là những nét chấm phá, khắc họa chân dung nhạc sĩ Trần Tiến từ khi là người lính trẻ yêu văn nghệ cho tới khi trở thành nhạc sĩ nổi tiếng ở vào tuổi thất thập. Thông qua bộ phim, khán giả bắt gặp một nhạc sĩ Trần Tiến lãng tử, hóm hỉnh, thông minh, gần gũi nhưng cũng điềm đạm, sâu sắc và đầy khoảng lặng.
Trước đó, công chúng yêu điện ảnh cũng đã được xem phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa” và “Sky Tour” của Sơn Tùng M-TP, “Bức Tường - Chuyện ngày hôm qua” về Ban nhạc Bức Tường…
2. Trước một xu hướng làm phim tài liệu về các văn nghệ sĩ, nhiều người bày tỏ quan điểm ủng hộ. Vì bên cạnh đáp ứng nhu cầu của công chúng, thậm chí đánh trung tâm lý tò mò của khán giả, của fan hâm mộ, các bộ phim tài liệu kiểu này còn góp phần lưu giữ những hình ảnh chân thực, sống động, thậm chí đời thường của nhiều người nổi tiếng.
Cách làm phim này đối với thế giới không mới. Nhưng với Việt Nam thì mới có tính khởi đầu, khơi dòng… Chính vì thế, song song với cái “dễ”, là nhiều khó khăn khi bản tính các văn nghệ sĩ chưa sẵn sàng tâm lý “bị quay lén”, hay thoải mái bộc lộ tất cả, trong đó có những câu chuyện khất lấp, muốn giữ kín.
Thế nhưng, một trong những “thủ pháp” mà nhiều nhà làm phim tài liệu về văn nghệ sĩ áp dụng là đặt máy quay bí mật để nhân vật bộc lộ một cách thoải mái nhất. Như khi thực hiện “Màu cỏ úa”, đạo diễn Lan Nguyễn đã phải “theo” nhạc sĩ Trần Tiến suốt 5 năm (2015 - 2020) với hơn 15 đợt quay. Ê kíp làm phim tiến hành quay ở các tỉnh thành như Hà Nội, Hà Nam, Quảng Bình, Lâm Đồng, Vũng Tàu...
Ngoài phần du ca, 3 chủ đề đan xen được kể trong phim là góc nhìn về chiến tranh, về Hà Nội và biển. Đó cũng là những thời điểm, những dấu ấn đậm nét trong cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông. Ngoài những đoạn phim tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp, đạo diễn thường sử dụng những góc quay rất hẹp, trực diện vào gương mặt nhạc sĩ, để ông trò chuyện với ống kính như với một người bạn...
Hay như với phim “Rồi một ngày Hà nói về tình yêu”, để người xem có thể bắt gặp, cảm nhận một cách rõ nét một Hồ Ngọc Hà ở mọi mặt của cảm xúc, mọi vị trí, vai trò của một người phụ nữ, thậm chí “phơi bày” cả tính khí của nhân vật chính… thì ê-kíp làm phim cũng khá vất vả để ghi hình, và để Hồ Ngọc Hà “tự bộc lộ mình”.
Cũng trong tháng 11 vừa qua, bộ phim tài liệu về cuộc đời những nghệ sĩ tuồng cổ đầy gian truân mang tên “Đoạn trường vinh hoa” cũng đã ra mắt khán giả. Bộ phim của đạo diễn Lê Mỹ Cường và đồng tác giả Thanh Nguyễn kể về hành trình gánh hát cải lương tuồng cổ của nữ nghệ sĩ Phương Ánh (nhân vật chính của phim) rong ruổi qua những đình làng, miếu cổ ở các tỉnh miền Tây để trình diễn.
Ê-kíp làm phim đã mang đến những hình ảnh chân thực và đầy xúc động về cuộc sống của những thành viên trong gánh hát Phương Ánh. Để thực hiện bộ phim, đoàn phim đã phải quay hình trong 18 tháng với gần 100 giờ quay (từ tháng 3/2019 đến tháng 7/2020).
3. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, một số phim tài liệu gần đây ít nhiều cho thấy các đạo diễn chưa thực sự cao tay. Có sự lưỡng lự giữa muốn làm phim theo lối có kịch bản và không có kịch bản. Ở phim tài liệu về Hồ Ngọc Hà, mặc dù có ê-kíp khá hùng hậu, nhiều người nổi tiếng, nhưng đa số họ thuộc giới sản xuất phim ca nhạc, làm MV, chứ không phải là nhà làm phim tài liệu.
Cũng có thể đây là chủ ý của nhà sản xuất, vì muốn chiếu rạp, mà muốn “đẹp” cho nhân vật hơn để hút fan của ca sĩ Hồ Ngọc Hà và diễn viên Kim Lý. Chính vì vậy, chất tài liệu trong phim vẫn hơi ít. Còn xem “Màu cỏ úa” gặp nhiều đoạn xúc động, song dường như đạo diễn mới chỉ chạm được vào nhạc sĩ này.
Đạo diễn Lan Nguyên của “Màu cỏ úa” thừa nhận, về mặt nội dung, một bộ phim tài liệu có được nhân vật hay như thế, tầm cỡ như thế thì không hề dễ thực hiện. Chị cho biết, trong quá trình làm phim, đã đối diện nhiều câu hỏi: Làm cách nào để không sa đà, không bị ngợi ca? Làm thế nào phải chân thật, để người ta muốn xem bộ phim này? Có gì trong bộ phim này ngoài một nhân vật đã quá nổi tiếng?
“Đây cũng là những lý do khiến tôi loay hoay rất lâu, cuối cùng đã để chính bản thân mình kể chuyện, kể lại cho khán giả biết là tại sao mình làm phim này, tại sao khán giả nên xem bộ phim này”, Lan Nguyên chia sẻ.