Vụ án tử tù Hồ Duy Hải lại một lần nữa làm nóng dư luận. Trước đó, ngày 8/5, khi 17/17 thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã biểu quyết bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đồng nghĩa với việc giữ nguyên mức án đã được tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải thì “bão” dư luận đã nổi lên.
Ngay sau đó rất đáng chú ý là ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội và mới nhất là ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (ngày 18/5) tại cuộc họp báo quốc tế về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa IV,; cũng như ý kiến của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí (cùng ngày 18/5) khi tiếp xúc cử tri tại Q.11, TP HCM.
Toàn cảnh phiên giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải. Ảnh: Tuấn Việt/LĐ.
Tại cuộc họp báo quốc tế (ngày 18/5), khi phóng viên nêu câu hỏi: Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, một số ĐBQH đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát. Xin cho biết quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này? Trả lời, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một số ĐBQH có ý kiến gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nêu ý kiến, kiến nghị về vụ án. Ông Phúc cho biết ở nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát liên quan đến vấn đề này do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm phó trưởng đoàn. Sau đó, Ủy ban Tư pháp đã có kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải. Quá trình cũng cho thấy gia đình Hồ Duy Hải liên tục khiếu nại, kêu oan. “Dư luận trong nước và quốc tế cũng rất quan tâm”- ông Phúc nói và cho biết hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Còn tại buổi tiếp xúc cử tri (Q.11, TP HCM, sáng 18/5), ông Lê Minh Trí- đại biểu Quốc hội TP HCM, Viện trưởng Viện KSND tối cao, khi trả lời các câu hỏi của cử tri liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải đã khẳng định các nội dung kháng nghị của Viện KSND tối cao là đúng thẩm quyền và không sai luật. Ông Trí cho biết trong quá trình xem xét vụ việc thì có nhiều chứng cứ chưa rõ, cần phải làm rõ. Căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự, khi có dấu hiệu như thế thì phải kháng nghị xem xét lại. Viện trưởng không nói có tội hay không có tội mà vụ án còn mâu thuẫn, Viện trưởng thấy cần phải kháng nghị điều tra lại đảm bảo khách quan, bảo vệ tính mạng của người dân khi không có chứng cứ trực tiếp.
Như vậy là ý kiến của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và Viện KSND tối cao khác nhau.
Đến đây, một vấn đề nữa cần phải được đặt ra trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải là cơ quan lập pháp có được can thiệp vào công việc của cơ quan tư pháp hay không? Không ít ý kiến cho rằng không nên, do tính độc lập của các cơ quan. Nhưng, nhiều ý kiến lại cho rằng việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xử lý theo đúng quy định pháp luật (trong vụ án này) là cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Mức án đối với tử tù Hồ Duy Hải cực kỳ quan trọng vì nó liên quan đến mạng sống của con người. Cùng đó còn là thể chế pháp luật, để không có “án lệ” (có nghĩa là tạo tiền lệ) khi áp dụng vào những bản án khác. “Trọng chứng hơn trọng cung” là việc phải tuân thủ. Nếu chứng cứ không đầy đủ, không chắc chắn mà chỉ dựa vào lời khai của bị can hoặc một số chi tiết hiện trường được tái hiện thì rất có thể sẽ đưa đến phán quyết sai. Thực tế một số vụ tử tù vừa qua đã cho thấy nhiều chứng cứ bị bỏ qua mà chỉ căn cứ vào lời khai của nghi can (thông qua cơ quan điều tra), sẽ đưa tới phán quyết sai của tòa; sau đấy đã phải xin lỗi và bồi thường.
Trở lại với phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao trong vụ tử tù Hồ Duy Hải, cũng không thể vội vã (hoặc cảm tính) nói rằng 17/17 thẩm phán vì một lý do nào đấy đã “cùng nhau làm sai”; hay ngược lại cho rằng Hồ Duy Hải không giết người; mà cần phải xem xét lại một cách thấu đáo, trên cơ sở thượng tôn pháp luật, đầy đủ chứng cứ. Tuy nhiên, đối với việc Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cho rằng kháng nghị của Viện KSND tối cao là không đúng, qua thẩm tra Hội đồng thấy đây là thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần điều tra lại. Trong khi Viện trưởng Viện KSND tối cao khẳng định là đang làm đúng- lại cho thấy rất cần phải có một “phán xử” khác ở cơ quan cấp cao hơn, vì cả TAND tối cao cũng như Viện KSND tối cao là hai cơ quan đại diện luật pháp, thông hiểu luật pháp nhất; cũng như có trách nhiệm thực thi pháp luật một cách đúng đắn nhất. Nếu không làm rõ sẽ không khỏi khiến dư luận xã hội băn khoăn, lo lắng.
Vì thế, việc Quốc hội vào cuộc giám sát đối với vụ án này được xã hội hoan nghênh và kỳ vọng.
Để kết thúc bài viết, xin được dẫn lời ông Nguyễn Lâm Sanh (cử tri quận 5, TP HCM) trong buổi tiếp xúc cử tri (ngày 18/5) khi đánh giá cao chức năng kiểm sát đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo ông Sanh, gần đây nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai do Viện Kiểm sát khơi ra, những vụ xử oan sai đều được xem lại. Đối với vụ Hồ Duy Hải kháng nghị rất đúng đắn, phù hợp với pháp luật- cử tri này nói và cho rằng đây là vụ án có nhiều tình tiết sai nhưng Hội đồng Thẩm phán lại kết luận rằng có sai sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất và nội dung vụ án- thì cần phải xem xét lại. Ông Sanh nói: “Tôi đề nghị trong kỳ họp tới này, Quốc hội cần khẳng định lại Viện Kiểm sát kháng nghị đúng vì trình độ cử tri giờ khác xa lắm”.
Vậy, hãy chờ xem!