Ngày 5/7, HĐND TP Hà Nội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó vấn đề về trách nhiệm đã được các đại biểu hết sức quan tâm và đặt nhiều câu hỏi.
Ai chịu trách nhiệm?
Với nhóm vấn đề thứ nhất, các đại biểu (ĐB) tái chất vấn việc thực hiện các cam kết, lời hứa của các thành viên UBND TP và lãnh đạo các cơ quan liên quan về một số nội dung, vấn đề đến hạn giải quyết đã được HĐND, Thường trực HĐND TP Hà Nội quyết nghị, kết luận tại các phiên chất vấn, giải trình nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả.
Theo ĐB Vũ Ngọc Anh (Tổ ĐB quận Bắc Từ Liêm), trong các nhóm dự án chậm phê duyệt chủ trương đầu tư, có 8 dự án thoát nước, thu gom xử lý nước thải chưa được phê duyệt. “Đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) làm rõ nguyên nhân vì sao chưa phê duyệt 8 dự án này và đơn vị nào phải chịu trách nhiệm?” – ông Ngọc Anh đặt câu hỏi.
Trả lời, Giám đốc Sở KHĐT Lê Anh Quân cho biết, đối với 60 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư và 134 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án, tất cả nằm trong kế hoạch 5 năm và đã rà soát điều chỉnh đưa vào đầu tư công và HĐND TP Hà Nội đã thông qua.
Về 8 dự án thu gom xử lý nước thải, Sở Xây dựng cam kết sẽ trình vào kỳ họp tháng 9 của HĐND thành phố. Nguyên nhân là do tính chất dự án và kế hoạch thoát nước có nhiều thay đổi nên ảnh hưởng đến quá trình trình chủ trương đầu tư.
Trả lời thêm, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: “Đối với 3 dự án nhóm A, bao gồm nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, nhà máy xử lý nước thải Tây Sông Nhuệ và dự án thoát nước và cải thiện môi trường Long Biên-Gia Lâm, đây là 3 dự án lớn, có mức đầu tư lần lượt là 2.600 tỷ đồng, 2.900 tỷ đồng và 4.700 tỷ đồng, do đó cần rà soát kỹ khi lập đề xuất chủ trương để đảm bảo báo cáo tiền khả thi và báo cáo khả thi đồng bộ, tránh tình trạng điều chỉnh nhiều lần.
Trả lời ĐB Trịnh Xuân Quang (Tổ đại biểu quận Thanh Xuân) về tiến độ của dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Thường trực Thành ủy đã xuống tận nơi kiểm tra và chỉ đạo. Đến nay quận Hà Đông và Sở Xây dựng đã tập trung đẩy nhanh vấn đề tái định cư. Sau khi thực hiện xong giải phóng mặt bằng, các đơn vị thi công sẽ triển khai thi công và phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.
Chậm trễ do đâu?
Nhóm vấn đề thứ hai được chất vấn là công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Chất vấn về nội dung phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính và quy trình nội bộ các đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính, ĐB Đàm Văn Huân (Tổ ĐB quận Thanh Xuân) cho biết, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường mới ban hành 6/95 quy trình nội bộ. Sở KHĐT ban hành được 10/50. Sở Xây dựng ban hành được 11/80. “Vậy nguyên nhân chậm trễ do đâu, bao giờ thì các sở hoàn thành ban hành quy trình nội bộ?” - ông Huân chất vấn.
Trả lời, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, theo kế hoạch ủy quyền mà UBND thành phố đề ra là 617 thủ tục. Đến thời điểm giám sát của HĐND thành phố đã công bố quyết định ủy quyền và danh mục thủ tục hành chính ủy quyền đã làm được 531 thủ tục, đạt tỷ lệ 86,06%. Về quy trình nội bộ, đến thời điểm HĐND thành phố giám sát cũng đã ban hành được 485/617, nhưng cập nhật mới nhất đã đạt 531/617 thủ tục có quy trình nội bộ được thông qua. Như vậy, toàn bộ thủ tục hành chính đã phê duyệt danh mục cũng đã có quy trình nội bộ.
Số thủ tục và quy trình còn lại hiện nay liên quan đến 6 Sở, Văn phòng UBND thành phố đã làm việc trực tiếp với giám đốc các Sở. Dự kiến trong tháng 7/2023 có 18 thủ tục hành chính liên quan đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và 9 thủ tục hành chính liên quan đến Sở Công thương sẽ được hoàn thành, nâng tỷ lệ ủy quyền thủ tục hành chính lên 95%.
Trả lời thêm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết, UBND thành phố đã ban hành 6 quyết định về quy trình nội bộ của sở. Trong đó thực hiện 5 quyết định. Sở đã ban hành xong 89/108 quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ. Còn lại 19 quy trình theo 1 quyết định thứ 6 của UBND thành phố. Sở sẽ phấn đấu hoàn thành trong quý III/2023.