Sở dĩ nợ công ngày một tăng là bởi luật hiện hành có tới 3 cơ quan vay nhưng nghĩa vụ trả nợ lại chưa rõ. Vì vậy cần rõ trách nhiệm trả nợ trong quản lý nợ công đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Quản lý nợ công ở Việt Nam thực trạng và các khuyến nghị chính sách” diễn ra sáng 18/10, do Liên minh minh bạch ngân sách tổ chức.
Nợ công tiến sát mức trần cho phép
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2016, nợ công ở Việt Nam đã tương đương 64,73%GDP và tiến sát mức trần cho phép là 65% GDP. Nợ công của Việt Nam tăng 15 lần trong 15 năm qua.
Nợ công Việt Nam ở mức cao như vậy liệu có xảy đến nguy cơ vỡ nợ? TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, chưa thể khẳng định nợ công chiếm 65% GDP thì có thể dẫn đến nguy cơ vỡ nợ hay không? Chỉ có điều theo tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực. Trong khi đó, Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hóa nhanh, năng suất bình quân thấp và giảm dần gây áp lực rất lớn khiến tăng quy mô nợ công nhanh hơn tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, cần quản chặt vấn đề này để nợ công không tăng “nóng” như hiện nay.
Muốn quản lý tốt nợ công cần làm rõ khái niệm thế nào là nợ công, bà Nguyễn Thu Hương - quản lý cao cấp Tổ chức Oxfam cho biết, theo Ngân hàng Thế giới, nợ công không chỉ là nợ chính phủ, chính quyền địa phương, nợ do chính phủ bảo lãnh mà còn bao gồm nợ ở các ngân hàng trung ương, các tổ chức công lập, các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các khoản Chính phủ cam kết như chi trả lương hưu hay bảo hiểm. Do đó, bên cạnh tăng cường quản lý nợ chính phủ, nợ của chính quyền địa phương cần xây dựng các cơ chế quản lý tốt hợn nợ của doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tín dụng.
Cơ quan nào vay thì phải có trách nhiệm trả nợ
Hiện có 3 cơ quan, mỗi cơ quan có chức năng riêng trong quản lý nợ công. Trong đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư (KHĐT) có chức năng đàm phán các dự án liên quan đến vốn ODA và vay ưu đãi quốc tế. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chịu trách nhiệm về dự án vay Ngân hàng Thế giới, các tổ chức tài chính quốc tế. Bộ Tài chính đảm nhiệm chương trình vay trong nước, phát hành trái phiếu hoặc phát hành trái phiếu quốc tế. Theo nhiều chuyên gia việc phân công đó rất đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi một cơ quan, giúp huy động được nhiều vốn. Tuy nhiên, bất cập trong phân công là chỉ coi trọng nguồn vốn vay về đầu tư thôi còn vấn đề trả nợ như thế nào thì không có cơ quan chịu trách nhiệm chính. Vì vậy nên hiện nay, tình trạng nợ công gần chạm trần và nguồn trả ở đâu, ai chịu trách nhiệm thì chưa rõ ràng.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - chuyên gia tài chính công đề nghị, nên tập trung thành một đầu mối thống nhất quản lý về nợ công. Một đầu mối thống nhất ở đây không có nghĩa là chỉ một cơ quan đứng ra làm mà một đầu mối duy nhất là cơ quan nào đứng ra huy động nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn vào cái gì thì phải có trách nhiệm hoàn trả nguồn vốn đó. Như vậy thì gắn được trách nhiệm huy động, đầu tư vốn với khả năng trả, nếu làm tốt thì tránh được tình trạng huy động vốn ào ạt không cần biết có hiệu quả hay không, gây ra khủng hoảng nợ công.