Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân không hoặc chậm triển khai chính sách

Việt Thắng 12/10/2023 15:38

Đến thời điểm hiện tại, một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực được bố trí nhưng vẫn còn nhu cầu bổ sung nguồn lực, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Chiều 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 1,5 năm triển khai, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết.

Ông Dũng đánh giá, đây là nỗ lực rất lớn khi nhiều chính sách có nội dung mới, chưa từng có tiền lệ và chưa từng được triển khai trước đây nhưng đã được nghiên cứu, xây dựng theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được đánh giá tác động trước khi ban hành. Các chính sách mang tính nhân văn, hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp, đã phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận, tính đến hết tháng 8/2023 giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực được bố trí nhưng vẫn còn nhu cầu bổ sung nguồn lực, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Ví như giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31/8/2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết (175.217,783 tỷ đồng) trong khi thời gian còn lại để thực hiện Chương trình chỉ còn khoảng 4 tháng (đến hết năm 2023), có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.

Đánh giá của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, có ý kiến cho rằng việc triển khai ban hành một số văn bản hướng dẫn, chuẩn bị các dự án chưa kịp thời như trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân bổ danh mục các dự án quá chậm; chưa quyết liệt trong việc hoàn thiện, chủ trương đầu tư, chưa bảo đảm tính chặt chẽ, sát thực trong xác định danh mục các dự án, có nhiều điều chỉnh so với danh mục đã báo cáo Quốc hội, cho thấy công tác chuẩn bị Tờ trình để Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết chưa bảo đảm kỹ lưỡng và còn mang tính ước lệ. Một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá về những tồn tại, hạn chế, tuy nhiên đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc không hoặc chậm triển khai chính sách, kết quả thấp, không khả thi và đánh giá tác động tới kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, Thường trực Uỷ ban Kinh tế thống nhất với báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43. Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhìn nhận, Chính phủ chưa phân tích rõ những khó khăn, tồn tại, nhất là khả năng phục hồi của nền kinh tế thời gian qua chưa thật sự bền vững.

“Đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích về những khó khăn, vướng mắc, đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm 2021-2025, từ đó đánh giá hiệu quả triển khai các chính sách tới khả năng phục hồi của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế”-ông Thanh nêu vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân không hoặc chậm triển khai chính sách