Làn sóng di cư có giảm?

Thế Tuấn (Tổng hợp) 05/05/2017 09:25

Ngày 4/9 cách đây 2 năm, một bức ảnh chụp cậu bé 3 tuổi chết trên bờ biển gần khu nghỉ dưỡng Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thế giới bàng hoàng. Nó nói lên một hành trình tị nạn đầy khốc liệt. Kể từ ngày đó, làn sóng di cư từ một số quốc gia vào châu Âu ra sao?

Cơ quan chức năng cứu người di cư gặp tai nạn trên Địa Trung Hải.

1. Em bé xấu số trong bức ảnh là Alan Kurdi, 3 tuổi, đến từ thị trấn Kobahi phía bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi lúc ấy là điểm nóng cuộc chiến giữa IS và lực lượng người Kurd.

Trong ảnh, Aykan Kurrdi nằm trên bãi biển, tay xuôi theo thân, úp mặt xuống cát. Em như một thiên thần nhỏ đang say ngủ, nhưng đau buồn thay - đó là một thiên thần đã chết.

Truyền thống đưa tin, gia đình em lên chiếc thuyền cùng 19 con người khác rời bỏ Syria đi tìm một miền đất mới, nơi không còn chiến tranh. Họ muốn tới đảo Kos (Hy Lạp). Nhưng do quá tải, chiếc thuyền đã chìm, làm 12 người chết, trong đó có Alan (3 tuổi) và anh trai Galip 5 tuổi. Mẹ của hai em, 35 tuổi, cũng bị chết.

Cái chết của Thiên thần 3 tuổi khiến mọi người bàng hoàng. Những đứa trẻ không bao giờ đáng phải chết. Chúng vô tội. Trong đoàn người di cư, chúng phải theo cha mẹ, người thân một cách không ý thức.

Thiên thần nhỏ Alan nằm chết trên bờ biển.

Người ta chợt nhận ra rằng, trong số những người di cư có rất đông trẻ em. Chúng bị cuốn vào cuộc sống đầy hiểm nguy: cái chết đến bất cứ lúc nào trên biển. May mắn được vào tới đất liền thì cũng không có gì bảo đảm cho tương lai phía trước. Trong khi cuộc đời mỗi một con người là rất dài…

Một năm sau kể từ ngày Alan trôi dạt vào bãi biển, đã có 340 đứa trẻ khác cũng chết trong các hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp, và trôi vào bãi biển. Những cái chết vô nghĩa đầy đau thương, nhưng không thể làm gì được vì dòng người di cư vẫn như dài thêm ra, bất chấp chết chóc.

Sau khi thỏa thuận về người di cư được ký kết giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn có những vụ vượt biển diễn ra, dù ít hơn trước, nhưng vẫn có người chết đuối trong các vụ đắm thuyền.

Dù con đường sang Hy Lạp đã bị chặn lại, nhưng hàng vạn người vẫn trực chờ bên các bãi biển và chỉ cơ hội để được đi. Thống kê của Ủy ban cấp cứu quốc tế (IRC), kể từ đầu năm 2015 đến nay, có ít nhất 85.000 người có nguy cơ chết đuối khi đang vượt biển sang ​châu Âu, trong khi có hàng trăm nghìn người khác vẫn tiếp tục di chuyển từ các nước ​châu Phi đến các điểm tập kết ở Libya hay Ai Cập.

Chính họ một cách ngẫu nhiên đã giúp cho bọn buôn người kiếm được rất nhiều tiền, chỉ với một việc là đẩy họ lên những con thuyền ọp ẹp vượt biển.

Bé gái cùng gia đình vượt qua hàng rào thép gai ở biên giới Serbia-Hungary.

Tới nay, tuy làn sóng người di cư đã giảm nhưng như các nhà lãnh đạo châu Âu- nơi người di cư tới nhiều nhất, thì cuộc khủng hoảng di cư còn lâu mới tới hồi kết. Giới chức Italy lo ngại rằng, 2016 chưa chắc đã phải là lượng người di cư đến Italy ở mức kỷ lục, vượt con số 170​.000 người năm 2014 và nguy cơ tai nạn trên các tuyến vượt biển cũng do đó tăng thêm. Vì rất có thể năm 2017 này tình trạng di cư sẽ bùng phát trở lại vào cuối năm.

Theo Tổ chức quốc tế về người di cư (IOM), số người di cư trên biển Địa Trung Hải có giảm, nhưng đáng tiếc là số người chết trên biển lại tăng lên. Điều đó cho thấy phương tiện họ di cư ngày càng tệ hơn và bọn buôn người cũng hoạt động ngày một hung hãn hơn.

Nói như ông Gianni Rufini- một tổ chức vì con người chi nhánh Italy, thì “tình hình càng trở nên tồi tệ hơn”. Còn Carlotta Sami- người phát ngôn chi nhánh Italy của Tổ chức người tị nạn Liên hợp (UNHCR) cho rằng, châu Âu sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ sau Thế chiến ​2. Theo bà Sami, dòng người di cư đổ từ các nơi về ​châu Âu vẫn không giảm và cuộc chiến ở Syria sẽ tiếp tục đẩy họ tới các con đường tuyệt vọng trên biển. “Như vậy, kể từ khi xác cậu bé Alan trôi dạt vào bờ biển, dường như chẳng có gì thay đổi”- bà Sami nói.

2. Năm 2015, hơn 1 triệu người di cư đã đến châu Âu trong năm 2015. Con số đó cho thấy tình hình hết sức căng thẳng. Người ta tưởng rằng châu Âu là “chiếc túi chưa” người di cư của thế giới, nhất là khi Mỹ- dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hạn chế tới mức tối đa người nhập cư.

Chính sách mới của nước Mỹ đối với người nhập cư đã tác động tới nhiều quốc gia châu Âu. Một số chính phủ đã “đặt lại vấn đề” theo đó không muốn nhận người di cư theo “quota” như trước.

Liên minh châu Âu (EU) dù đã nỗ lực hết sức, song vẫn chưa tìm ra giải pháp căn bản và tổng thể nào để ngăn chặn hiệu quả dòng người di cư, hiện đang không chỉ gây xáo trộn tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh của toàn khu vực, mà còn đe dọa làm tan rã chính tổ chức đang tồn tại nhiều bất đồng này.

Hai chị em òa khóc khi đám đông người tị nạn bị lính biên phòng Macedonia
ngăn cản vượt qua biên giới từ Hy Lạp.

Điều đáng chú ý, khi mà nạn tấn công khủng bố đang lan rộng ở nhiều thành phố châu Âu, khi kẻ khủng bố là những “con sói đơn độc” thì người ta nhớ lại rằng, trong số rất nhiều người nhập cư vào châu Âu, rất có thể có những kẻ khủng bố trà trộn. Mà điều đó sẽ gây khó khăn hết sức lớn cho việc an ninh chung của châu lục.

Bên cạnh đó, khủng hoảng di cư đã tạo ra gánh nặng kinh tế đối với hầu hết các quốc gia thành viên EU, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chưa được hóa giải.
Vậy nên, bài toán di dân và nhập cư đối với châu Âu đang vẫn rất nóng, cho dù làn song người nhập cư có giảm hơn so với thời điểm từ khi “thiên thần 3 tuổi Alan” bị chết đuối trên biển khi cùng gia đình di cư…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làn sóng di cư có giảm?