Các chuyên gia kinh tế khẳng định, thị trường đang có sự chuyển động mạnh. Hàng ngoại nhập đổ bộ vào Việt Nam với tỷ lệ cao.
Bánh kẹo ngoại tại các kênh phân phối hiện đại.
Đủ kiểu hàng ngoại
Khảo sát của phóng viên tại thị trường TP Hồ Chí Minh, hàng ngoại có từ vỉa hè, góc phố cho đến hệ thống phân phối hiện đại. Tại nhiều tuyến đường như: Nguyễn Trãi (Q5), Nguyễn Tất Thành (Q4), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình Thạnh), Nguyễn Duy Trinh (Q2),… các biển hiệu quảng cáo hàng hóa ngoại nhập mọc lên nhan nhản. Hàng tiêu dùng nổi trội có xuất xứ Nhật Bản; quần áo, giày dép Thái Lan; mỹ phẩm Hàn Quốc; bánh kẹo Mỹ,…
“Tôi còn nhớ, trước khi muốn mua một đôi dép Thái hay cái áo thun Nhật là phải đợt có ai đi du lịch hoặc chờ người nhà gởi về. Giờ thời buổi hội nhập nên tìm sản phẩm chất lượng không quá khó”- bà Phí Thị Mai (Q5) chia sẻ.
Nói về việc buôn bán hàng nhập hiện nay, nhiều chủ cửa hàng tỏ ra khá lạc quan trong kinh doanh và doanh thu. “Giá hàng Thái không cao hơn hàng Việt, dép hoặc áo thun Thái chỉ mấy chục ngàn nhưng lại được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Giờ người tiêu dùng không cần biết sản phẩm xuất xứ ở đâu miễn sao hàng vừa chất lượng vừa hợp túi tiền. Đây chính là lý do, hàng nhập khẩu đang được lựa chọn”- chủ cửa hàng Thái Lan (Nguyễn Duy Trinh, Q2) cho hay.
Tại hệ thống siêu thị, hàng ngoại nhập cũng phong phú và đa dạng trên quầy kệ, như: Gia vị, nước giải khát, bia, trái cây, hàng gia dụng, mỹ phẩm… xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ý,…
Ví dụ, nói đến bia Đức phải kể đến Weidmann, Beck; Bỉ có bia Leffe nâu, Hoegaarden; bia Hàn Quốc là Hite, OB; bia Royal Dutch (Hà Lan); Peroni (Ý), Cooper Pale Ale (Úc); Asiha (Nhật Bản), Singha (Thái Lan)…
Thậm chí có những sản phẩm đơn giản như dây cột tóc, miếng rửa chén đĩa,… cũng là hàng ngoại nhập. Bà Nguyễn Thị Phi Vân- chuyên viên bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu cho biết, hiện hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam với các nguồn khác nhau.
“Có thể thấy trong những năm gần đây hàng ngoại nhập phủ sóng rất đa dạng, không chỉ là hàng tiêu dùng như trước đây. Sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, hàng công nghệ và cả hàng dịch vụ cũng vào nhiều. Đặc biệt, một số mặt hàng tiêu dùng cao cấp trước đây, giờ được nâng cấp lên thành hàng dịch vụ trên cơ sở những sản phẩm hiện có”- theo bà Vân.
Thay đổi cách quản trị để hợp tác, cạnh tranh
Bà Vũ Kim Hạnh- chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định: Người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại nhập có xuất xứ từ Thái, Nhật, Hàn. Một trong những nguyên nhân là do thu nhập tăng lên, người tiêu dùng có thể chi trả mức chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm nói chung, nhưng cũng đồng thời quan tâm hơn những giá trị mà nó mang lại, nhất là các sản phẩm thực phẩm, đồ uống… có lợi cho sức khoẻ.
Vẫn theo bà Nguyễn Thị Phi Vân, với tình hình đang diễn ra có thể thấy sắp tới hàng hóa nhập ngoại còn tăng. “Với các hiệp định thương mại song phương, đa phương thị trường sẽ là thị trường chung chứ không dừng lại của quốc gia nào. Điều đó khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn- theo bà Vân.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng thời gian tới hàng Việt sẽ buộc phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa đến từ bên ngoài. Đáng tiếc là nhiều doanh nghiệp nội đã không hiểu thị trường thế giới, không đón đầu được xu hướng mới, vẫn ở trong tư thế “chạy theo” thị trường là chính.
Đặc biệt, tại phân khúc cao cấp, hàng Việt Nam chưa cạnh tranh được so với các sản phẩm ngoại nhập. Trong khi đó, sau một thời gian thâm nhập thị trường Việt Nam, nhiều tập đoàn nước ngoài đã có chân đứng tại phân khúc hàng hóa phổ thông, giờ là lúc họ phát triển thị trường cao cấp.
Theo bà Nguyện Thị Phi Vân, vì thế trước mắt doanh nghiệp trong nước cần thay đổi tư duy của người quản trị, mở rộng hợp tác, tìm đối tác nước ngoài để cùng phát triển thị trường.