Lắng nghe cuộc sống

Lê Anh Đức 07/01/2017 08:00

Trong 2 buổi dự tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam và Hội nghị trực tuyến “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển KT-XH” của Bộ KHCN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh: Phải trọng dụng trí thức, không phân biệt địa vị, tôn giáo, người chưa vào Đảng, hay người Việt Nam ở nước ngoài..., không để khoa học công nghệ thua trên sân nhà.

Nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tiễn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Trong nhiều thập kỷ qua, nhất là 30 năm đổi mới đất nước, các thế hệ nhà khoa học Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, phát triển KT-XH, một số cá nhân các nhà khoa học còn đem vinh quang về cho Tổ quốc và nền khoa học nước nhà.

Thủ tướng nêu ví dụ là 3 nhà khoa học rất nổi tiếng của Viện: Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu; Giáo sư, Viện sĩ Đặng Vũ Minh. Trên nền tảng đó, Thủ tướng tin tưởng đội ngũ những người làm khoa học ngày càng phát triển lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc CNH-HĐH đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn các nhà khoa học phải luôn rèn đức, luyện tài, mà trước hết là làm sao không để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam thua kém trên sân nhà, có thể hội nhập vào chuỗi giá trị tri thức toàn cầu một cách chủ động, phát huy cao độ lòng tự tôn dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Song, Thủ tướng cũng yêu cầu giới khoa học và các nhà quản lý cần phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật như lời của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, đó là hiện các nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng còn rất khiêm tốn, hạn chế.Đó là nguyên nhân dẫn tới hệ quả tất yếu là không ít đề tài nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chỉ góp phần làm dày thêm các tủ lưu trữ tại các thư viện lớn, mà hầu như không giúp ích gì được trong thực tiễn sản xuất kinh doanh. Thủ tướng nhấn mạnh: Nghiên cứu là cần thiết, nhưng không gắn với thực tế, không đáp ứng yêu cầu của thực tế thì tự mình thua trên sân nhà.

Lâu nay không ít nhà khoa học cứ mải mê nghiên cứu những vấn đề cao siêu, mà không lưu ý những vấn đề đơn giản của thực tế để đứng nhìn các doanh nghiệp Việt Nam phải chi trả những khoản tiền lớn cho các nhà sản xuất nước ngoài với những vấn đề mà không phải trong nước không giải quyết được.

Hay như việc tư vấn khoa học cho doanh nghiệp thì các nhà khoa học Việt Nam cũng đang để thua “lấm lưng, trắng bụng” trên sân nhà. Nhiều nhà sản xuất đứng trước các vấn đề liên quan đến công nghệ, cải tiến thiết bị hầu như đều phải tìm đến các đơn vị tư vấn nước ngoài là một thực tế cần suy nghĩ, là thách thức và yêu cầu mà các nhà khoa học cần khắc phục, rút kinh nghiệm.

Muốn các nghiên cứu khoa học được áp dụng rộng rãi, phục vụ đắc lực cho phát triển KT-XH, các nhà khoa học phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì để đưa ra hướng đi phù hợp nhất. Thủ tướng lưu ý: “Cán bộ KHCN đã giỏi chuyên môn rồi còn phải biết kinh tế, phải vận dụng vào kinh tế, vào đời sống, phải có thực tiễn. Chứ KHCN giữa trời thì làm sao biết đời sống sản xuất ra làm sao”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ KHCN và các đơn vị trong hệ thống phải bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe hơi thở cuộc sống, xem cuộc sống cần gì với tinh thần phối hợp tốt “3 nhà” (nhà khoa học, Nhà nước, nhà sản xuất).

Thủ tướng yêu cầu giới khoa học và các nhà quản lý cần thẳng thắn đánh giá các thành quả và các tác động thực tiễn của KHCN Việt Nam trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm mới có thể đưa khoa học công nghệ phát triển lên tầm cao mới.

Không chỉ yêu cầu giới khoa học cần đổi mới tư duy để bắt kịp thị trường, nghiên cứu khoa học sát với thực tế hơn, Thủ tướng còn yêu cầu các nhà quản lý cần có sự tham mưu kịp thời cho Chính phủ để ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện để tận dụng, phát huy phát huy, sử dụng người có tài, tận dụng tối đa chất xám của mọi tầng lớp trong xã hội.

Thực tế cho thấy muốn phát triển KHCN thành công thì phải hội tụ đủ 6 yếu tố: Thể chế (cơ chế), môi trường, con người, nguồn lực, cơ sở hạ tầng, năng lực hội nhập và năng lực kiến tạo quản trị của Nhà nước cho KHCN.

Từ đó, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả người chưa vào đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương. Chẳng phải trong kháng chiến Bác Hồ từng thuyết phục được các nhân sĩ trí thức kiều bào về phục vụ Tổ quốc đó sao?

Ngoài ví dụ về việc “chiêu hiền, đãi sĩ” của Bác Hồ, người đứng đầu Chính phủ còn dẫn ví dụ về trường hợp một nhà khoa học Việt kiều, mặc dù không am hiểu nông nghiệp nhưng khi về quê ở Nam Bộ, thấy nước mặn lên mà bà con nông dân không biết nên lấy tưới cây ăn quả, bị thiệt hại nặng, ông đã đặt hệ thống quan trắc tự động để phát hiện nước mặn giúp bà con.

Với 2 ví dụ trên, Thủ tướng đưa ra quan điểm: Tinh thần chung là khai phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo để đưa đất nước đi lên vững vàng. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe và tiếp mọi cán bộ khoa học có năng lực, muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc. Với việc khoa học không phân biệt sang - hèn, hy vọng trong tương lai không xa, khoa học công nghệ Việt Nam sẽ thực sự cất cánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắng nghe cuộc sống