Lắng nghe để hỗ trợ doanh nghiệp

Nam Việt 10/05/2023 06:00

Mô hình Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp đang lan tỏa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Điều đó càng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Tại Cà Mau, Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng tham gia.

Không chỉ riêng doanh nghiệp mà đông đảo người dân vùng cực Nam của Tổ quốc cũng kỳ vọng Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Cà Mau khi đi vào hoạt động sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư. Hiện mô hình này đang được các tỉnh vùng ĐBSCL nghiên cứu, áp dụng.

Lui về trước, ngay trong lúc dịch Covid-19 hoành hành, ngày 22/9/2021, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức chương trình gặp gỡ doanh nghiệp thảo luận về giải pháp thích ứng và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết tỉnh sẽ thành lập một tổ công tác đặc biệt liên ngành để xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Tổ công tác đặc biệt do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh điều hành, trực tiếp tiếp nhận thông tin và gỡ vướng cho doanh nghiệp một cách triệt để. Quá trình đó phải làm rõ được hay chưa được, nếu chưa được thì hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gì để giải quyết ngay những khó khăn cho doanh nghiệp.

Cũng trong thời gian dịch Covid-19, đầu tháng 11/2021, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định kiện toàn Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổ do một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng.

Xa hơn nữa, tháng 2/2017, tỉnh Bắc Ninh đã lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp; với nhiệm vụ trọng tâm là kịp thời nắm bắt, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm xây dựng hình ảnh về môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, hấp dẫn.

Dẫn ra một số trường hợp để thấy rằng Tổ công tác đặc biệt của các địa phương được thành lập là cần thiết trong bối cảnh đặc biệt. Đó là khi dịch Covid-19 hoành hành, chuỗi sản xuất kinh doanh đứt gãy; hoặc là để thực hiện chủ trương thu hút mạnh đầu tư nước ngoài và giờ là khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, chỉ số tăng trưởng cùng khả năng xuất khẩu sụt giảm.

Cùng với Tổ công tác đặc biệt thì vùng ĐBSCL còn có mô hình hay, đó là "Cà phê doanh nghiệp". Ví dụ như tại tỉnh Sóc Trăng mới diễn ra buổi “cà phê” đầu tiên vào sáng 6/5. Theo đó, từ 6h30’ tại nhà ăn của Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cùng 3 Phó Chủ tịch và nhiều lãnh đạo sở, ngành gặp gỡ, ăn sáng với hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn. Việc này sẽ được tổ chức định kỳ vào sáng thứ bảy của tuần đầu mỗi tháng, để lãnh đạo tỉnh tiếp nhận những kiến nghị, vướng mắc đang gặp trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Nói như ông Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng thì từ những buổi gặp gỡ thân mật như vậy, cầu nối giữa chính quyền - doanh nghiệp - người dân trở nên gần hơn.

Về mô hình này, tỉnh Đồng Tháp chính là địa phương đầu tiên ở vùng ĐBSCL tổ chức, với tên gọi "Quán cà phê doanh nhân - doanh nghiệp", kể từ năm 2016, tại khuôn viên UBND tỉnh. Trong vòng 1 giờ, từ 6h30’ đến 7h30’ sẽ có cuộc gặp gỡ đầu ngày với doanh nghiệp, doanh nhân. Qua đó, khắc phục tình trạng phải trải qua những khâu thủ tục hành chính kéo dài hàng tuần, hàng tháng, có khi hàng năm như trước.

ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là vùng chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Là vùng kinh tế trọng điểm, nhưng tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác như kỳ vọng. Chính vì thế, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 13, ngày 2/4/2022 “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39.734 km2 chiếm 12,2% diện tích cả nước; chiếm 19% dân số cả nước, với gần 10 triệu hộ nông dân; quy mô kinh tế chiếm 11,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước. ĐBSCL đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp và hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu (số liệu năm 2020).

Kỳ vọng với tiềm năng to lớn, chiến lược đầu tư lớn của nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của toàn vùng ĐBSCL, với những cách làm sáng tạo, vùng đất trù phú này sẽ cất cánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắng nghe để hỗ trợ doanh nghiệp