Làng nghề đồ gỗ thờ cúng mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội có truyền thống hơn 1.000 năm, nổi tiếng với nghề điêu khắc đồ gỗ (đồ thờ, tượng Phật...). Tuy nhiên, cùng với sự đi lên của cuộc sống vật chất thì môi trường sống của người dân Sơn Đồng đang bị ô nhiễm nặng nề.
Cuộc sống người dân Sơn Đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do con kênh T2 chảy qua xã là điểm tập kết rác thải và nước thải từ cơ sở chế biến nông sản của các xã lân cận cũng như việc sản xuất của làng nghề vẫn ở lẫn trong khu dân cư.
Theo ông Trần Quang Trung - Chủ tịch MTTQ xã Sơn Đồng từ nhiều năm nay người dân đã phải chịu sự ô nhiễm từ con kênh T2 chạy qua địa phận xã. Nước thải của các làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức như Cát Quế, Dương Liễu đã biến khúc sông vốn trong xanh trở nên đen ngòm, bốc mùi quanh năm.
Chị Nguyễn Thị Hoa xóm Rô xã Sơn Đồng cho biết, gần chục năm nay nguồn nước của kênh T2 bị ô nhiễm khiến cuộc sống gia đình chị và nhiều người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhất là vào mùa sản xuất sắn, miến cao điểm của các xã lân cận Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, nước kênh đen và đặc quánh, mùi hôi thối bay vào tận trong làng. Cuộc sống bị đảo lộn, dù dùng nhiều biện pháp như đóng cửa, đeo khẩu trang nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào. Đặc biệt nguồn nước bị ô nhiễm khiến việc sản xuất nông nghiệp cũng gặp khó khăn, các bệnh về da liễu, hô hấp cũng tăng cao.
Chị Hoa cũng cho biết hiện nay đa phần các hộ gia đình xã Sơn Đồng vẫn sử dụng nước giếng khoan. Và để tự bảo vệ mình, người dân xây bể hứng nước mưa dùng cho việc ăn uống. Còn các hoạt động sinh hoạt khác thì dùng nước giếng khoan đã qua máy lọc. Những gia đình không có điều kiện mua máy lọc nước thì lọc bằng đá cuội, thạch anh, sỏi, phèn chua… Dù đã có các biện pháp tự bảo vệ nhưng hiện nay tại Sơn Đồng số người bị mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư ngày một tăng.
Theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng ngành môi trường nồng độ ô nhiễm môi trường của kênh T2 đã vượt ngưỡng cao nhất lên tới 100 – 150%. Và theo ông Nguyễn Chí Lợi – Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng qua các kỳ họp HĐND người dân đều phản ánh bức xúc này và chính quyền xã cũng đã nhiều lần phản ánh lên UBND huyện, thành phố, yêu cầu phải chỉ đạo xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Theo ông Nguyễn Viết Thạch – Chủ tịch Hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng – hiện nay làng nghề đã thu hút được trên 5 nghìn lao động với 500 hộ làm nghề. Sản phẩm của Sơn Đồng có mặt hầu hết cả nước, chiếm 70% thị phần đồ gỗ-thờ cúng cả nước, xuất khẩu tương đối nhiều. Thu nhập từ nghề gỗ mỹ nghệ-đồ thờ chiếm 60-63% thu nhập toàn xã, thu nhập bình quân của thợ làm nghề 6-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo ông Thạch do chưa có quy hoạch để phát triển làng nghề nên việc sản xuất vẫn nằm lẫn trong khu dân cư.
Đến Sơn Đồng những ngày hè nắng nóng mới cảm nhận được người dân nơi đây thiếu một không gian sống trong lành. Và theo ông Thạch, những người làm nghề ở Sơn Đồng chỉ mong muốn có một khu quy hoạch sản xuất tập trung để đưa việc sản xuất ra khỏi khu dân cư giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường sống.
Và để giải bài toán ô nhiễm môi trường ở làng nghề Sơn Đồng rất cần sự vào cuộc của các cấp các ngành, sự quy hoạch phát triển làng nghề một cách bài bản. Được biết, hiện tại, thành phố có kế hoạch cho xây dựng nhà máy xử lý nước thải với tổng diện tích hơn 5 nghìn m2 và công suất 8.000 m3/ngày đêm trên địa bàn xã Sơn Đồng. Tuy nhiên trong thời gian chờ nhà máy xử lý nước thải được xây dựng xong, chính quyền huyện Hoài Đức cần chỉ đạo thực hiện biện pháp xử lý tình trạng xả thải của các làng nghề trên địa bàn cũng như vận động tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.