Tại Hội thảo chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam, diễn ra tại TPH CM, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, quyền của trẻ em đã có trong Luật Trẻ em 2016, các em đang được thực hiện quyền của mình. “Chúng ta cần nói ít hơn và lắng nghe các em nhiều hơn, cố gắng giải đáp và phản hồi các ý kiến của các em”.
Kết quả khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam cũng ghi nhận nhiều ý kiến, câu hỏi, vấn đề được đặt ra bởi chính các em học sinh. Trong đó có việc trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em. Hoặc là việc một số học sinh nghiện Internet, nghiện game...
Theo bà Đinh Thị Thiên Ân, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM) trước hết các cơ sở giáo dục phải nỗ lực để lắng nghe và chia sẻ, ghi nhận tiếng nói của học sin h. Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Hiền - Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho ràng các em có quyền lên tiếng, đừng chịu đựng mà hãy bày tỏ mong muốn của mình về phương pháp giảng dạy, cách thức hành xử của thầy cô.
Cũng theo đại diện Sở GDĐT, thực tế có nhiều trẻ em vì ấm ức mà trở nên trầm cảm. Vì thế các em cần bày tỏ để người lớn biết và cùng các em thay đổi, tìm các giải pháp để tạo điều kiện tốt nhất cho các em. Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, điều tiên quyết là các em cần nhận thức được quyền lên tiếng, quyền tham gia của chính bản thân để nói chuyện, tham vấn, phản biện, đưa ý tưởng, sáng kiến và giải pháp với người lớn. Việc đối thoại cũng là cơ hội để các em thực hiện quyền của mình và được giải đáp trả lời thắc mắc từ những người lớn phải chịu trách nhiệm với việc đảm bảo quyền của các em.
Ông Đặng Hoa Nam cho biết sự tham gia của trẻ em luôn là nội dung ưu tiên trong các kế hoạch hoạt động của Cục Trẻ em. Những hoạt động đối thoại, tiếp nhận ý kiến của trẻ em cần được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức, cách thức. Bên cạnh việc đề xuất ý kiến trực tiếp, các em có thể gọi tới Tổng đài 111 để đưa ra các chia sẻ, suy nghĩ, mong muốn của các em hoặc khi các em/bạn của các em cảm thấy mất an toàn.