Giáo viên là những người trực tiếp đứng lớp nên cần được lắng nghe và tôn trọng ý kiến trong quá trình chọn sách giáo khoa.
Trách nhiệm và quyền lợi
Đầu tháng 3 vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quận Ba Đình đã tổ chức tập huấn, giới thiệu sách giáo khoa (SGK) lớp 5 năm học 2024 - 2025 cho hơn 30.000 giáo viên (GV), cán bộ quản lý trên địa bàn theo hình thức trực tuyến. Ban giám hiệu các nhà trường cùng GV khối 4, 5, GV các môn chuyên biệt… đã tham dự tập huấn. Do đây đã là năm thứ 5 tiến hành tập huấn SGK, nên hầu hết các trường đều đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất; phân công GV thường trực trong suốt quá trình học để kịp thời khắc phục mọi sự cố kĩ thuật, đảm bảo buổi tập huấn đạt kết quả cao nhất.
Chia sẻ sau buổi tập huấn, một số GV của Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, đã có được những hiểu biết hữu ích về từng bộ sách, không chỉ về mặt cấu trúc, nội dung và cả quan điểm, điểm khác biệt của bộ sách do các tác giả giới thiệu, từ đó sáng suốt lựa chọn bộ SGK phù hợp nhất giảng dạy trong năm học 2024 - 2025. Bên cạnh đó, buổi tập huấn cũng giúp GV hiểu rõ hơn về chương trình GDPT 2018, từ đó tìm tòi thêm các phương pháp giáo dục đổi mới để bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo cho các em học sinh.
Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên Chương trình GDPT mới được áp dụng với học sinh lớp 5, 9 và 12 trên cả nước. Từ tháng 12/2023, Bộ GDĐT đã phê duyệt danh mục SGK mới của khối lớp 5. Đối với lớp 9 là đầu tháng 1/2024 và khối 12 là ngày 1/3/2024. Ngay sau khi Bộ GDĐT phê duyệt danh mục SGK mới, các Sở GDĐT đã triển khai danh mục SGK đến tất cả các trường học trên địa bàn để cán bộ quản lý, GV nắm bắt, tự tìm hiểu các bộ SGK mới trên những trang trực tuyến. Đây được coi là bước quan trọng nhằm giúp đội ngũ cán bộ quản lý và GV tiếp cận đầy đủ thông tin về các cuốn SGK mới, giúp thầy cô tự tin khi tham gia các buổi tập huấn SGK.
Trước đó, kết luận của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình SGK cho rằng, quy định lựa chọn SGK phổ thông theo Thông tư số 25/2020 có nhiều điểm chưa phù hợp, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương, tạo kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Thông tư số 27/2023 thay thế quy định cũ, trong đó điểm mới đáng chú ý được áp dụng để chọn sách từ năm học 2024 - 2025 là trao lại quyền lựa chọn SGK cho các nhà trường. Đây chính là cơ hội cho các thầy cô, các Hội đồng giáo dục ở các trường chọn cuốn sách phù hợp nhất cho việc giảng dạy của mình. Để làm được điều này, cần có sự tập huấn kỹ lưỡng từ các cơ sở giáo dục đào tạo cũng như sự tìm tòi, nghiên cứu từ chính các thầy cô trực tiếp giảng dạy các bộ sách mới.
Tạo điều kiện cho giáo viên
Đề cao vai trò của các cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn SGK, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định, SGK là tài liệu dạy học, cần tôn trọng đăng ký từ các cơ sở giáo dục. GV là những người trực tiếp đứng lớp, sử dụng SGK hàng ngày và truyền tải kiến thức để đáp ứng nhu cầu của chương trình nên cần lắng nghe và tôn trọng.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhìn nhận, việc trao quyền chọn sách cho GV chính là thể hiện sự tôn trọng lắng nghe ý kiến của người trực tiếp đứng lớp. Đây vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của GV. Không chỉ tiếp cận 1 bộ sách, đây còn là cơ hội để GV có cái nhìn tổng thể về những bộ sách đã được phê duyệt, là tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình dạy học sau này. Tuy nhiên, để việc chọn sách được hiệu quả và giảm bớt áp lực, bà Thơ đề xuất các cơ sở giáo dục cần tạo điều kiện để GV có thêm thời gian nghiên cứu SGK mới, có thêm nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn, trao đổi dẫn đến quyết định lựa chọn sách thực sự hiệu quả.
Trên thực tế, một số cơ sở giáo dục đã dành thời gian để tổ chức cho GV sau khi tham gia tập huấn SGK cùng nghiên cứu, thảo luận, thậm chí dạy mẫu một số tiết, nhằm lựa chọn những cuốn sách phù hợp với học sinh. Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản lưu ý, quy trình lựa chọn SGK mới năm học 2024 - 2025 khác so với năm học 2023 - 2024, nhưng việc lựa chọn trước hết phải bảo đảm nguyên tắc sách đã được Bộ GDĐT phê duyệt; dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi học sinh. Đồng thời phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy học tại các trường. Các đơn vị nghiên cứu kỹ Thông tư, nhất là những điểm mới về trách nhiệm và quy trình lựa chọn SGK, bảo đảm tiến độ công bố danh mục SGK được phê duyệt trước ngày 30/4.