Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 31/10 về việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, ĐB tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An nhận định: Chuyên đề giám sát liên quan đến vấn đề nêu trên đã chỉ rõ tính chất nguy hiểm của tình trạng lãng phí.
Qua những số liệu của báo cáo giám sát, đặc biệt là những con số biết nói liên quan đến hàng trăm dự án, hàng 100.000 hecta đất, hàng chục ngàn tỷ đồng bị lãng phí, ông An bày tỏ một cảm giác rất xót xa khi chúng ta để xảy ra tình trạng trên. Chỉ rõ nguyên nhân chủ quan để xảy ra tình trạng trên đến từ trách nhiệm quản lý, điều hành và trách nhiệm con người đã được nêu rất rõ trong báo cáo.
“Báo cáo đã nêu được một danh mục các dự án, các công trình để chúng ta phải xử lý là điều rất tốt, nhưng trong báo cáo này tôi vẫn cảm giác như còn thiếu trách nhiệm của chủ thể, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng rất bi đát như này. Và rằng, cần phải chỉ rõ thêm, để tăng thêm chất lượng của chuyên đề giám sát này”, ĐB chia sẻ quan điểm và bày tỏ mong muốn, chuyên đề giám sát này sẽ giống như là một liều thuốc kháng sinh cực mạnh đặc trị để chúng ta xử lý dứt điểm tình trạng lãng phí.
Cá nhân tôi cho rằng khi các cơ quan nhà nước, các chủ thể quyết định chủ trương dự án thì không ai muốn mình bị xử lý trách nhiệm vì để xảy ra lãng phí. Nhưng có những dự án, những công trình có yếu tố cá nhân, yếu tố tư lợi và đặc biệt là cố ý làm sai thì chúng ta phải xử lý. Trong báo cáo này đã chỉ rất rõ, ví dụ như các quy hoạch về điện gió, để xảy ra tình trạng hơn 600MW điện gió không đưa vào sử dụng. Những công trình giao thông chúng ta quyết định mà biết thừa là quyết định đó là có vấn đề, để cho nhà nước phải bù thêm đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tôi cho rằng cần phải xử lý dứt điểm, cần phải làm rõ được trách nhiệm của những người đã quyết định những chủ trương đó, ông An nêu quan điểm.
Còn ở góc độ của mình, ĐB Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) cho rằng, việc chậm đổi mới của doanh nghiệp Nhà nước; bộ máy còn cồng kềnh, chi phí hành chính, chi phí trung gian lớn. Chưa theo kịp và chưa thích ứng được với yêu cầu và bối cảnh phát triển kinh tế thị trường là những vấn đề mà doanh nghiệp nhà nước đang gặp phải.
Bên cạnh đó, thông tin về hoạt động không đầy đủ, khó giám sát, tạo nên dư luận thiếu tích cực về tính minh bạch của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc Nhà nước định giá, điều tiết, cung cấp dịch vụ thiết yếu. Cùng với đó là sự yếu kém về năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý ở doanh nghiệp, là sự buông lỏng quản lý trong tổ chức thực hiện, dẫn đến lãng phí nguồn lực, thua lỗ, thất thoát vốn Nhà nước. Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp yếu kém chưa kiên quyết, chưa kịp thời", ĐB này nói và bày tỏ thêm: "Điều đáng bàn là trường hợp doanh nghiệp nhà nước vi phạm đến mức xử lý trách nhiệm hình sự đã và đang được xử lý nghiêm minh, nhưng doanh nghiệp làm lãng phí vốn và tài sản của Nhà nước thì vẫn là câu chuyện còn đang bỏ ngỏ".
Từ thực tế ấy, để nguồn lực của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước phát huy hiệu quả, chống lãng phí, thất thoát, ĐB nêu 2 kiến nghị.
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ sớm tổng kết trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường đổi mới quản trị trong các doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc chuẩn mực quốc tế. Trong đó, tập trung vào tinh giản bộ máy quản lý doanh nghiệp, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Đồng thời, xây dựng cho được đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp giỏi, cán bộ quản lý doanh nghiệp phải là tinh hoa trong giới doanh nhân, năng động, sáng tạo, tiên phong trước mọi khó khăn, thử thách, sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cuối cùng, ĐB Chinh đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý doanh nghiệp làm lãng phí vốn Nhà nước và việc lãng phí, thất thoát tài nguyên đất đai trong quá trình cổ phần hóa.