Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hóa) tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) là nơi hội tụ, bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam. Theo các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, đây là nơi giàu tiềm năng nhưng chưa khai thác hết.
Tiềm năng lớn
Làng Văn hóa có nhiều lợi thế để khai thác du lịch, có vị trí rất gần với Hà Nội, chỉ cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km, lại rất gần các khu du lịch nổi tiếng như Thác Đa, Suối Ngọc Vua Bà, Rừng Quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh, Ao Vua, Đá Chông… Với diện tích 1.544ha, Làng được chia thành 7 phân khu, trong đó quan trọng nhất là khu làng các dân tộc với 4 cụm, là nơi tái hiện tinh hoa văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Hiện tại có khoảng 15 dân tộc đang sinh sống và hoạt động tại Làng.
Từ năm 2015 đến năm 2023, Ban Quản lý của Làng Văn hóa tổ chức đón tiếp và phục vụ 356 lượt cộng đồng dân tộc với 5.357 lượt đồng bào dân tộc, tham dự sự kiện hoạt động với 202 lễ hội độc đáo. Trong đó hơn 50 lễ hội do đồng bào hoạt động hàng ngày tổ chức thực hiện, giới thiệu nhiều di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, phi vật thể quốc gia. Hiện nay Làng đang quản lý, trưng bày hơn 800 hiện vật được hình thành từ nhiều nguồn, góp phần làm sinh động thêm các không gian văn hóa tại đây.
Từ tháng 12/2016, Làng Văn hoá bắt đầu thu phí tham quan, phí dịch vụ; tổ chức một số dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách tham quan như: Dịch vụ vận chuyển bằng xe điện, dịch vụ ẩm thực, bán sản vật dân tộc và đồ lưu niệm... Ngoài ra tháng 12/2017, thành phố Hà Nội đã mở tuyến xe buýt từ trung tâm Hà Nội lên Làng Văn hóa. Điều này tác động tích cực đến hoạt động du lịch, lượng khách thường xuyên, hàng ngày lên tham quan Làng tăng đáng kể. Trung bình hàng năm Làng đón khoảng 500.000 lượt khách tham quan, dự kiến đến năm 2025 Làng Văn hoá sẽ đón khoảng 800 đến 1 triệu lượt khách tham quan.
Thông tin mới nhất từ Ban Quản lý Làng Văn hóa cho hay, do các dự án chưa được thi công xong nên thiếu đồng bộ khi vận hành, quá trình khai thác vận hành trong điều kiện vừa thi công, vừa khai thác nên ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, đón khách tham quan. Hiện tại một số dịch vụ đang tạm dừng hoạt động để chờ sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công.
Cần mô hình hoạt động tương xứng
Ban Quản lý Làng văn hóa cho biết đang đề xuất với các Bộ, ngành, Chính phủ về mô hình hoạt động của Làng cho phù hợp với thực tiễn, nhằm triển khai hiệu quả hơn công tác vận hành, khai thác. Theo ông Trịnh Ngọc Chung - Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, hiện nay tại Làng hầu như không có một dịch vụ nào, kể cả dịch vụ ăn uống để phục vụ khách. Nguy cơ hiện hữu là mất khách, khó thu hút khách đến Làng. Đây là một vấn đề cấp bách cần phải có hướng tháo gỡ, giải quyết.
Để Làng Văn hóa được đầu tư phát triển theo đúng mục tiêu, đồng thời được khai thác, vận hành có hiệu quả, Ban Quản lý Làng kiến nghị xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để Ban Quản lý Làng có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai... tại Làng như khu Kinh tế; Bộ Tài chính quan tâm, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức chi phí và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng ngày cho đồng bào dân tộc được mời tham gia hoạt động tại Làng.
Tại buổi làm việc trong tháng 12 vừa qua giữa Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội với Ban Quản lý Làng, Đoàn công tác cũng cơ bản thống nhất về việc cần thiết xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phù hợp với tình hình thực tiễn tại Làng Văn hoá.
Mới đây, tại Hội nghị giới thiệu, thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhiều DN tham dự đánh giá Làng là điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài. Tuy nhiên, khi nói đến cơ chế, thẩm quyền thì nhiều DN tỏ ra băn khoăn, bởi để có được sự thay đổi không phải một sớm một chiều.
Do nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp không đạt theo kế hoạch vốn tại Quyết định 540/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (tới hết năm 2023 mới đạt 65,2%) nên tiến độ các dự án tại Làng Văn hóa đang bị kéo dài. Đáng chú ý, hiện vẫn chưa thu hút được đầu tư vào các Khu chức năng của Làng, dẫn đến thiếu đồng bộ, thiếu dịch vụ phục vụ khách tham quan, trải nghiệm, nên khó khăn trong tổ chức vận hành.