Xác định chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng giúp 10 xã lõi nghèo của tỉnh giảm nghèo nhanh và bền vững, công tác kiện toàn các chức danh chủ chốt xã đảm nhiệm chức danh gắn với quy hoạch nhân sự Đại hội đảng cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.
Lũy kế đến tháng 10 năm 2023, đã điều động, luân chuyển 16 cán bộ, công chức (tăng 2 so với năm 2022). Trong đó: Mường Khương 8, Bắc Hà 4, Bát Xát 4, Văn Bàn 1; đến hết năm 2023, đã bố trí được 10/10 xã.
Ưu tiên bố trí nguồn lực cao nhất cho 10 xã nghèo nhất là nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Lào Cai đã xác định tại Kế hoạch số 239/KH-UBND giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tỉnh ưu tiên từ nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế chính sách cho đến đầu tư cơ sở hạ tầng địa phương.
Nhờ có sự luân chuyển thường xuyên đó, chất lượng cán bộ, công chức 10 xã nghèo năm 2023 được nâng lên, cơ bản đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể: 195/195 người có trình độ Văn hóa 12/12, đạt 100%; về trình độ Chuyên môn nghiệp vụ: Số cán bộ, công chức có trình độ Sơ cấp 01 (chiếm 0,5%), Trung cấp là 11/195 người (chiếm 5,6%) giảm 2,6% so với năm 2022; Số cán bộ, công chức có trình độ Cao đẳng là 04/195 người (đạt 2,05%); Đại học trở lên là 179/195 người (đạt 91,79%). Tổng số cán bộ, công chức có 2 trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ Cao đẳng trở lên là 183/195 đạt 93,8% (tăng 2% so với năm 2022 (91,8%)).
Về trình độ Lý luận chính trị: Số cán bộ, công chức có trình độ Sơ cấp là 59/195 người (chiếm 30,2%) giảm 4,3% so với năm 2022; Trung cấp 130/195 người (đạt 66,66%) tăng 3,77% so với năm 2022; Cao cấp 02/195 người (đạt 1,03%); chưa qua đào tạo 05/195 người (chiếm 2,56%).
Những kết quả trên đã tạo nền móng để những năm tiếp theo Lào Cai đạt và vượt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 8% trở lên theo tiêu chí chuẩn nghèo 2021-2025 tại 10 xã; nâng mức thu nhập bình quân đầu người năm 2025 cao gấp 2 lần so với năm 2020.
Tin tưởng rằng, cùng nguồn lực tập trung và trách nhiệm của mỗi cán bộ ở cơ sở, cùng với sự vào cuộc tích cực của người dân ở vùng “lõi nghèo” sẽ là cơ sở căn bản để cái nghèo, cái đói, sự thất học, tư tưởng ỷ lại trông chờ từng bước được đẩy lùi ở các xã nghèo.