Đây là những nhận định, đánh giá của các đại biểu tại hội thảo hướng dẫn thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 sáng ngày 1/12.
Toàn cảnh hội thảo.
Theo ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em ( Bộ LĐTB & XH) hiện nay cả nước đang có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên (từ 5- 17 tuổi) đang phải làm việc nặng nhọc hoặc làm việc trong những điều kiện có hại cho sức khỏe. Tỷ lệ lao động trẻ em tập trung đông nhất chủ yếu ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Trong số lao động trẻ em được điều tra thì có 67% các em làm việc trong ngành nông nghiệp; 16% làm việc trong ngành xây dựng, chế tạo; 17% làm việc trong ngành dịch vụ.
Điều đáng buồn hơn nữa khi tỷ lệ trẻ em bị thất học vẫn còn rất cao. Cụ thể, trong số trẻ em được khảo sát, có tới 52% trẻ đã từng đi học; 45,2% đang đi học và 2,8% chưa bao giờ được cắp sách đến trường.
Đáng lo ngại trẻ em có nguy cơ làm trong các nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên hoặc điều kiện lao động có hại 1,3 triệu ( chiếm 75% lao động trẻ em và 7,2 trẻ em từ 5- 7 tuổi).
Theo các đại biểu với mức giá nhân công hết sức rẻ mạt, phải lao động trong một môi trường và điều kiện không đảm bảo, lao động là trẻ em vẫn đang từng ngày buộc phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động thậm tệ. Thời gian làm việc của các em bị chủ sử dụng ép buộc từ 11- 12 tiếng, thậm chí lên tới 16 tiếng/ngày. Đối với những lao động trẻ em phục vụ tại các quán ăn, số tiền lương 1,8 đến 2 triệu đồng/tháng đã được xem là khoản thu nhập thuộc loại khá bởi vẫn còn không ít trường hợp trẻ phải làm việc mà không hề được trả lương.
Ngày 7/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1023/QĐ – TTg về việc Phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 -2020. Quyết định trên thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, đã góp phần nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em và đạt được mục tiêu của chương trình vào năm 2020, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, mà trước hết là nhận thức của gia đình các em và chính các em, cũng như người sử dụng lao động còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách liên quan đến lao động trẻ em.
Bên cạnh đó khả năng tiếp cận các hoạt động phát triển kỹ năng và nghề nghiệp hạn chế cũng là một trong những yếu tố cản trở việc xóa bỏ lao động trẻ em.
Chính vì vậy rất cần sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương coi mục tiêu bảo vệ và giảm thiểu lao động trẻ em không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm đối với thế hệ tương lai.