Vào lúc 19 giờ ngày 24/5, thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 6 lọ thuốc hiếm để giải độc botulinum về tới sân bay Tân Sơn Nhất. Thế nhưng, sau hơn 10 ngày chờ đợi, 1 bệnh nhân đã tử vong; 2 người khác đã quá thời gian chỉ định dùng thuốc giải, phải điều trị hết sức khó khăn. Từ đây, câu chuyện thiếu dự trữ thuốc hiếm “lộ sáng”, như một lỗ hổng của ngành Y tế.
Thật đáng lo ngại là không chỉ thuốc giải độc, mà nhiều loại thuốc hiếm khác cũng thiếu. Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết, các thuốc này thiếu trong thời gian dài do không có nhà cung ứng. Vì thế, bệnh viện tại TP HCM đã phải sử dụng phác đồ thay thế, bệnh nhân phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán.
Trước đó, chỉ trong 1 tuần, tại TP HCM đã có 6 người được chẩn đoán ngộ độc botulinum, nhưng chỉ có 3 trẻ em được sử dụng thuốc, 3 người lớn phải thở máy, điều trị hỗ trợ, vì hết thuốc. Vì vậy, ngày 23/5, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có văn bản gửi Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM đề nghị khẩn cấp nhập khẩu thuốc giải độc tố botulinum để cứu bệnh nhân. Đồng thời, để dự phòng cho các trường hợp cấp cứu khác có thể phát sinh, Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị Bộ Y tế xem xét cho phép Sở Y tế TP HCM được nhập khẩu khẩn cấp thuốc giải độc tố botulinum.
Có sẵn nguồn thuốc hiếm giải độc là điều hết sức cần thiết để sớm trả người bệnh trở về cuộc sống, thay vì nằm thở máy ít nhất là 3 tháng với rất nhiều rủi ro. Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy), việc thở máy lâu dài dẫn đến rất nhiều biến chứng. Đứng về góc độ kinh tế, trong khoảng từ 3 đến 6 tháng chăm sóc một người liệt nằm thở máy thì chi phí còn nặng hơn so với một liều thuốc giải độc khoảng 8.000 USD. “Có nguồn thuốc chủ động là điều bác sĩ chúng tôi vô cùng mong muốn để giải quyết sớm nhất và trả người bệnh trở về cuộc sống" - bác sĩ Hùng nói.
Xưa nay, người ta vẫn nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, có nghĩa là phải ngăn ngừa bệnh chứ không phải để bệnh xảy ra rồi mới tìm kiếm giải pháp chữa bệnh. Chi phí phòng bệnh ít hơn nhiều so với chữa bệnh. Trong trường hợp này, dự trữ thuốc hiếm không liên quan trực tiếp đến phòng bệnh, nhưng lại là đề phòng những loại bệnh nguy hiểm cần có biệt dược mới điều trị được. Ở khía cạnh nào đó thì cũng là phòng bệnh, quan trọng hơn là đề phòng những loại bệnh nào đó bất ngờ lấy đi mạng sống của con người.
Ngày 11/4, khảo sát một số bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn Hà Nội nhằm kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Y tế, tiếp tục nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm thuốc, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế; Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, thành lập ngay các trung tâm chuyên dự trữ thuốc hiếm, đặt tại 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước; giao một bệnh viện hàng đầu tại đó quản lý, điều phối; luôn sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến có thể xảy ra.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, theo Nghị quyết số 30 của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế của Chính phủ, Bộ cũng sẽ đề xuất giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc; chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn.
Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa được triển khai. Vụ ngộ độc hết sức nguy hiểm xảy ra tại TP HCM vừa qua cho thấy rất cần đẩy nhanh việc mua dự trữ thuốc hiếm, cũng như thành lập các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Cứu người thì không thể đợi khi người bệnh rơi vào tình thế thập tử nhất sinh mới tìm thuốc. Đành rằng thuốc hiếm không sẵn nguồn, giá đắt, nhưng chúng ta vẫn có thể có được khi liên hệ với các hãng dược lớn trên thế giới, kể cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bài học phòng chống Covid-19 vẫn còn đó, Việt Nam không tự điều chế được vaccine, nhưng với rất nhiều nỗ lực, nhiều nguồn chúng ta đã có được lượng vaccine dồi dào; là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vaccine Covid-19.
Để kết thúc, xin dẫn lời của PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM: Dự trù ứng phó với thiên tai, thảm họa, bệnh tật, có tốn tiền cũng phải làm để kịp thời cứu tính mạng người dân. Vì sinh mạng con người không thể đợi quy trình.