Theo ông Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, trong khi nền kinh tế phát triển chậm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động gia tăng, công nhân mất việc làm... thì nhiều ngân hàng vẫn báo lãi. Điều này cho thấy việc ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn là chưa tương xứng.
Mà cũng không chỉ ông Lâm đưa ra nhận xét như vậy, vì doanh nghiệp (DN), giới chuyên gia kinh tế cũng đã nhiều lần lên tiếng, nhất là sau khi những con số thống kê được đưa ra khi kết thúc quý I/2023. Đó là chưa nói đến việc các DN xây dựng, người trong diện được mua nhà ở xã hội cũng cho là với lãi suất ngân hàng đưa ra có nhiều điểm bất hợp lý. Nói tóm lại, ngân hàng luôn “nắm đằng chuôi”.
Ngân hàng cũng là DN, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại tư nhân. Vì thế, xét ở khía cạnh nào đó, tăng trưởng cũng đồng nghĩa với việc họ kinh doanh tốt. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế - xã hội nói chung, thì là có vấn đề khi họ đẩy lãi suất cho vay lên quá cao. Cũng có thể do thủ tục cho vay phức tạp với nhiều đòi hỏi khiến DN khó thỏa mãn được yêu cầu, nhất là với khối DN nhỏ và vừa.
Từ đó, nhiều ý kiến đặt vấn đề trách nhiệm xã hội của ngân hàng, trong khi cộng đồng DN nói chung đang “khát vốn” để hồi phục.
Trở lại vấn đề, hầu hết các ngân hàng đều công bố số lãi của 3 tháng đầu năm nay tăng vọt so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhiều DN đang gồng mình với chi phí tài chính, nguyên vật liệu tăng cao. Tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Vietcombank tổ chức hôm 21/4, Chủ tịch ngân hàng này, ông Phạm Quang Dũng, cho biết lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng trong quý I đạt 11.050 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 11.200 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước và đạt 26% kế hoạch của năm 2023. Còn với VPBank, hết quý I cho dù mới đi 1/5 chặng đường (kế hoạch của cả năm) nhưng lãnh đạo ngân hàng này vẫn cho biết mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ 22.000 tỷ đồng vẫn trong tầm tay. Trong khi đó, SHB, quý I lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2022; đã đạt được 35% kế hoạch cả năm.
Tất nhiên trong vòng gần 5 tháng qua, không phải ngân hàng nào cũng lãi. Nhưng điểm qua một số ngân hàng cũng có thể thấy họ đang sống khỏe, trong lúc hầu hết các DN khác lâm vào tình thế khó khăn khi thiếu đơn hàng, nhiều DN phải rút khỏi thị trường, số lao động phải nghỉ việc tăng cao.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới “thắng lớn” của hệ thống ngân hàng thương mại chính là việc chênh lệch lãi suất giữa huy động tiền gửi và cho vay. Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động từ 3,3 - 4,5%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 4,2 - 5,7%/năm đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 5,3 - 6,5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng trong khi ngân hàng cho vay và thu về mức lãi từ 6 - 12%/năm. Mức lãi suất cho vay thấp hầu như chỉ áp dụng cho thời gian vài tháng và sau đó thường tăng lên 9 - 12%/năm.
Còn về phía DN, họ đã phải chống chọi vô cùng mệt mỏi suốt thời gian qua. Kể cả các “ông lớn” cũng không phải là ngoại lệ. Chẳng hạn, Công ty sữa Vinamilk bị giảm sút lợi nhuận trên 12% so với cùng kỳ năm trước khi giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh, đồng thời chi phí tài chính cũng tăng lên đáng kể với 132 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ là 6 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn Dabaco (chăn nuôi) báo cáo tài chính quý đầu năm với lợi nhuận sau thuế giảm gần 98% so với cùng kỳ năm trước và thấp nhất trong 10 quý gần đây. Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai chỉ riêng quý 1 đã lỗ gần 113 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước vẫn có lãi gần 7 tỷ đồng.
Tất nhiên các DN lỗ không chỉ do không vay được vốn ngân hàng hay phải vay với lãi suất quá cao, mà còn nhiều nguyên nhân khác. Nhưng không thể không có nguyên nhân từ vốn vay.
Như đã nói, ngân hàng cũng là DN, chưa tính đến lãi thì họ cũng thường giữ lãi suất cho vay cao để phòng ngừa rủi ro. Thậm chí, cả gói hỗ trợ lãi suất 2% từ Ngân hàng Nhà nước nhưng các ngân hàng thương mại tham gia chương trình này cũng không hào hứng, vì sợ khó thu hồi vốn, nợ xấu.
Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn, đó chính là trách nhiệm xã hội. Thực tế thì ngân hàng và DN là mối quan hệ cộng sinh. Khi khó khăn DN càng phải đi vay, ngân hàng càng lãi. Nhưng điều này cũng gây rủi ro, nguy hiểm cho chính bản thân ngân hàng. Đó là khi DN thua lỗ, không những không trả được lãi mà nợ vốn vay có thể chuyển sang nợ xấu.
Vì vậy, hạ lãi suất cho vay để DN hồi phục chính là việc nên làm, cho dù ngân hàng có thể bớt lãi.