“Doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường liên minh Á-Âu, thay vì bỏ trống như thời gian qua”. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng xung quanh việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EAEU có hiệu lực.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng.
Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) bao gồm 5 nước thành viên (Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia) là khu vực có quan hệ chính trị - kinh tế truyền thống đối với Việt Nam.
Ngoài ra, đây còn là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa với trên 180 triệu dân, GDP khoảng hơn 2.000 tỷ USD. Mặc dù được đánh giá là thị trường tiềm năng nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều khá khiêm tốn, thấp hơn rất nhiều so với các nước Tây Âu.
Cụ thể, năm 2015 kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều là 3,6 tỷ USD, tăng 6% năm 2014. Tuy nhiên nếu tính về tỷ trọng chung, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang khối Liên minh chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng nhập khẩu của EAEU.
Cùng với đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ khối Liên minh chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối này. Nói về thị trường tiềm năng có quy mô xuất khẩu lớn nhất trong khối EAEU, Bộ Công thương khẳng định, Cộng hòa Liên bang Nga vẫn là thị trường mà Việt Nam có tỷ lệ xuất nhập khẩu cao hơn so với thị trường chung EAEU.
Theo đó, Việt Nam xuất khẩu sang đạt 2,2 tỷ USD, hàng hóa Việt Nam vào Nga đạt 1,44 tỷ USD.
Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường EAEU sẽ đạt hơn 10 tỷ USD, thay vì chỉ dừng lại ở mức 3,6 tỷ USD như hiện nay.
Bởi, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EAEU có hiệu lực thì 90% dòng thuế được cắt, giảm có lộ trình (trong đó 53,9% dòng thuế quan được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực).
Điển hình, mặt hàng tất vào thị trường nay sẽ giảm về 0%, thay vì đang ở mức 15% như thời gian qua. Tương tự, hàng may mặc và giày dép về 0% , giảm mạnh so với mức 20% và 10% thuế nhập khẩu hiện nay.
Đại diện các cơ quan quản lý ngành công thương khẳng định, hiệp định Việt Nam – EAEU có hiệu lực cùng với hàng loạt dòng thuế được giảm song các nước cũng lập ra nhiều hàng rào kỹ thuật.
Đánh giá cao thị trường từ EAEU, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn sớm đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng của khối này. Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam tìm hiểu về việc phân bổ hạn ngạch gạo vào nước nào trong khối liên minh kinh tế EAEU.
Ông Huỳnh Văn Hạnh-Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ TP HCM cho rằng, sản phẩm nội thất vào thị trường này khá ít. Năm 2015 xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường này chỉ ở mức 4 triệu USD, bằng một doanh nghiệp nhỏ của các nước.
Hy vọng, các tham tán viên và lãnh sự quán Việt Nam ở các chủ động xúc tiến thương mại từ những đối tác tiềm năng để doanh nghiệp Việt chủ động giới thiệu sản phẩm.
Nhận định EAEU là thị trường tiềm năng và sẽ có sức hút lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, cho nên doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa trong việc tìm kiếm hợp đồng và bạn hàng. Bên cạnh thị trường tiềm năng đang chờ doanh nghiệp Việt, nhiều ý kiến khẳng định, doanh nghiệp Việt phải chú ý đến chất lượng sản phẩm, đồng thời đáp ứng đúng, đáp ứng đủ các yêu cầu quy định thương mại của nội khối nói chung và từng nước trong khối EAEU nói riêng.