Ngót một thế kỷ cầm máy, ở tuổi xưa nay hiếm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng vẫn nghĩ mình còn rất trẻ. Vẫn xao xuyến khi đất trời vào Thu. Cuộc sống thay đổi từng ngày, còn Lê Vượng hình như vẫn vậy, đam mê sáng tác và vẹn nguyên một tình yêu Hà Nội.
Nghệ sĩ Lê Vượng.
Ghé thăm nhà ông vào một buổi sớm mùa Thu, khi hương hoa như ướp cả những con ngõ nhỏ Hà Thành. Thật tình cờ, lúc tôi đến nghệ sĩ Lê Vượng đang lần giở lại những bức ảnh Hà Nội một thời với xe điện leng keng, phố cổ với những tà áo dài thướt tha, những đứa trẻ chơi đùa nơi góc phố Cửa Nam yên bình…Hà Nội qua lăng kính của ông đẹp và bình yên quá.
Hỏi ông, ở cái tuổi này vẫn còn sự đam mê? Ông bảo ngay, hết thế nào được, nó chảy trong từng mạch máu, thớ thịt. Hành trình đi tìm cái đẹp với tôi là không có điểm dừng. Mới năm ngoái thôi, lúc đó tôi còn có thể đạp xe, chậm rãi len lỏi từng góc phố, thì những ngày Thu Hà Nội đẹp như này thật khó mà ngồi yên ở nhà. Một thảm lá vàng rơi trên đường Phan Đình Phùng, những mái ngói ngói lô xô như bỡn cợt nhà cao tầng, gió bông đùa trên tà áo dài thiếu nữ, Hồ Gươm bảng lảng sương sớm…Hà Nội đẹp đến thế cơ mà, không ghi lại sau này con cháu mình sao thấy được.
Ngồi nghe ông nói nhiếp ảnh, về sự đam mê cứ như người đang ở cái tuổi sung nhất của nghề chứ không phải ông lão sắp qua cái ngưỡng hai năm mươi. Trong căn phòng của ông, kín những ảnh. Bức tường loang lổ vết thời gian. Thiếu nữ vùng cao gội đầu bên suối hay cây đa nghìn năm tuổi ở Am Mỵ Châu (Đông Anh – Hà Nội)… đẹp như trong truyện cổ tích.
Nghệ sĩ Lê Vượng là người Hà Nội gốc, cháu của họa sĩ Lê Phổ một bậc đại thụ trong làng hội họa Việt Nam. 17 tuổi khi theo chú Lê Phổ ra nước ngoài, phong cảnh, con người của xứ sở chùa Tháp, cố đô Xiêm Riệp… như thôi miên gã trai trẻ. Và những khoảnh khắc đó đã mở ra một ngã rẽ khác của cuộc đời ông – con đường đi đến tận cùng của cái đẹp.
Cái duyên nghệ thuật thường hình như thường se lại với nhau. Trải qua bao vị trí công tác, cuối cùng, ông lại được về làm cán bộ ở Viện Mỹ thuật, chuyên nghiên cứu về trang phục dân tộc, Hà Nội xưa và nay, điêu khắc dân tộc…“Công việc lại gắn tôi với nhiếp ảnh. Và càng đi, càng chụp càng thấy con đường nghệ thuật cứ hun hút dài. Hà Nội, vùng cao, những dặm dài đất nước - Bao thứ phải ghi lại, nếu không, mai mốt sẽ không còn cơ hội. Ông kể, có đận lên vùng cao, nhiều thanh niên thấy mình đội chiếc mũ pêrê, họ có vẻ thích lắm, cứ xúm vào hỏi. Thế là mình biết, thanh niên vùng cao không còn mặn mà với trang phục truyền thống nữa rồi…Tôi cảm nhận và đã kịp thời đặc tả được hết trang phục của 54 dân tộc anh em.
Và những sắc màu dân tộc là bộ ảnh được thực hiện trong gần 10 năm với hơn 70 bức, đặc tả được hết trang phục của 54 dân tộc anh em. 70 bức ảnh với nét tinh tế trong trang phục người Dao, rực rỡ trang phục người Mông, hoa văn độc đáo trên trang phục phụ nữ Dao Đỏ…là thành quả của một người nghệ sĩ dày công nghiên cứu về tập quán văn hóa các dân tộc.
Khó có thể đánh giá mảng màu, vùng miền nào đẹp nhất trong gia tài ảnh của nghệ sĩ Lê Vượng. Ông luôn tìm cái đẹp cổ điển chân phương, rất gần hội họa. Một góc phố rêu phong màu thời gian, một Hà Nội bảng lảng trong sương sớm hay những dặm dài đất nước với vùng cao nhiều sắc màu độc đáo, đình làng quê Việt với những điêu khắc sắc sảo, tinh tế…
Nhưng cho đến giờ, sau ngót cả thế kỷ cầm máy, với riêng Hà Nội nghệ sĩ Lê Vượng bảo, những buổi chiều tản bộ quanh Hồ Gươm, hay lang thang nơi phố cổ tôi mới chợt nhận ra, đằng sau vẻ hào nhoáng của một thành phố đang trên đà phát triển vẫn là một Hà Nội cũ kỹ, rêu phong và những người yêu Hà Nội vẫn lặng lẽ tìm vào những ngóc ngách của phố cổ để đi tìm nét đẹp đó.
Lê Vượng có một quan niệm niệm rất khác người trong nghệ thuật nhiếp ảnh: Không tỉa tót, tô vẽ, thêm bớt và tạo dựng. Ông để vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên (nhưng không tự nhiên chủ nghĩa) thu vào ống kính – NS nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng từng nhận xét về Lê Vượng như vậy.
Cuộc sống thay đổi, Hà Nội cũng thay đổi, nhưng dường như nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng vẫn vậy. Vẫn đam mê, sáng tạo và nồng nàn một tình yêu Hà Nội, yêu con người, yêu cuộc sống.