Sách in lậu, in sai, dịch sai, đóng bìa và ruột nhầm lẫn… là những sai phạm đang bị chỉ ra. Nhiều biện pháp để lập lại thị trường xuất bản đã được đưa ra trong những năm qua. Nhưng từng ấy chưa đủ để thị trường xuất bản có thể sạch ngay lập tức. Đơn cử như trong năm 2014- 2015 một loạt các đơn vị xuất bản bị xử lý, nhiều ấn bản phẩm sai phạm bị thu hồi, nhiều cơ quan chủ quản của các NXB bị chỉ đích danh trong việc lơ là với đơn vị trực thuộc. Rồi trong năm 2015, Cục Xuất bản đã ngừng cho đăng k
Cục trưởng Cục Xuất bản Chu Văn Hòa cho hay, động thái của Cục là để khuyến cáo các nhà xuất bản hạn chế làm sách ngôn tình, đam mỹ (thể loại tiểu thuyết của Trung Quốc lấy chủ đề chính là mối quan hệ đồng tính nam); mà thay vào đó là “Lựa chọn mua bản quyền, dịch và xuất bản các xuất bản phẩm có nội dung lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Dẫu vậy, những sách ngôn tình đã xuất bản trước thời điểm ấy giờ vẫn được bày bán ngồn ngộn ở những hiệu sách quanh Bờ Hồ.
Và mới đây nhất, tại Hội nghị cơ quan chủ quản các nhà xuất bản năm 2015, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, những “nút thắt” của ngành xuất bản cũng đã được bàn thảo. Trong đó người trong cuộc hơn ai hết cũng mong sớm có giải pháp ngăn chặn sai phạm trong lĩnh vực xuất bản.
Có 3 nguyên nhân căn cốt đã được chỉ ra – khiến cho hoạt động xuất bản liên tục gặp “sự cố”. Trước hết là do nhu cầu “xé rào” trước cơn lốc thương mại hóa. Tình cờ trong một lần tìm hiểu về cuốn sách sai phạm đã được xuất bản cách đây hơn 10 năm, chúng tôi được biết việc bán giấy phép của các NXB lâu nay đã quá phổ biến. Chính vì sự liên kết với các đơn vị làm sách tư nhân để chạy theo lợi nhuận mà nội dung sách cũng không được kiểm duyệt kỹ càng. Các đơn vị xuất bản được tự chủ về kế hoạch xuất bản, nên chất lượng xuất bản phẩm một thời gian dài cũng phó thác cho các đối tác liên kết là chính. Tiếp đó là sự yếu kém nằm ở khâu biên tập của các NXB- hơn mười năm trước nguyên nhân này đã được lưu ý và đến nay đây vẫn là một điều đáng phải lưu tâm. Theo đó trong số nhiều giải pháp để phát triển bền vững ngành xuất bản, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã thẳng thắn chỉ ra: Phải đẩy mạnh kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo và biên tập viên NXB. Và nguyên nhân thứ ba- cũng là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sách lậu, sách kém chất lượng trà trộn tràn lan hiện nay đó chính là tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ- Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam chia sẻ, chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ ràng tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Luật được ban hành không phải để cho vui, mà phải được thực thi trong đời sống xã hội. Tiếc rằng còn không ít NXB chưa hiểu Luật, cũng như chưa quen với tư duy làm sách có bản quyền.
Trên thực tế các cơ quan chức năng không phải là không biết có sách lậu, sách vi phạm tràn lan trên thị trường hiện nay, nhưng quả là nạn vi phạm bản quyền diễn ra ở diện rộng. Trong khi các cơ quan chức năng chưa đủ lực để thanh toán nạn sách lậu, thêm vào đó lại là cả một xã hội chưa đồng lòng, coi việc nghiêm chỉnh thực thi pháp luật, cụ thể là Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ thì người đọc đang còn băn khoăn lắm. Thế nên bạn đọc hôm nay cũng đang phải tự học cách trở thành người đọc sách thông minh, biết phân định sách lậu và sách “xịn”…
Tại Hội nghị các cơ quan chủ quản xuất bản hôm rồi, có tới 4 giải pháp được đưa ra để giúp ngành xuất bản phát triển bền vững. Nhưng đó vẫn là chuyện của tương lai xa. Những người làm nghề đang mong lắm việc lập lại trật tự ngành xuất bản phải càng nhanh càng tốt. Ông Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: “Tôi thấy trong Báo cáo tổng kết của ngành xuất bản, chiểu theo các giải pháp mà ngành đưa ra để khắc phục tồn tại so với cách đây 5,7 tháng, đến nay tình hình vẫn không thay đổi…” Âu đó cũng là tâm tư chung của cả bạn đọc.
Vì thế, để có những sản phẩm xuất bản sạch và chất lượng, siết liên kết xuất bản chỉ là một phần. Cần kíp hơn vẫn là đẩy mạnh liên kết thế “chân kiềng”: NXB, cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý trong lĩnh vực xuất bản. Và theo cơ chế thị trường, bạn đọc chính là người thẩm định sách một cách khách quan nhất.