Kinh tế

Liên kết để phát triển chuỗi giá trị nông sản

Thanh Tiến 08/08/2024 11:37

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nói chung và rau củ quả nói riêng không phải là câu chuyện mới. Thế nhưng để liên kết đạt hiệu quả, tránh đứt gãy vẫn còn là một bài toán khó. Đặc biệt trong lĩnh vực rau quả, mối liên hệ giữa nông dân - tổ hợp tác - doanh nghiệp cần phải được tạo dựng bền vững.

anh-cover.jpg
Nông dân Cần Thơ thu hoạch nhãn. Ảnh: Thanh Tiến.

Những ngày đầu tháng 8, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đến thăm Tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái Trạng Tí Garden (THT Trạng Tí Garden) tại xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) khi 69ha Thanh nhãn của 11 nông hộ trong tổ hợp tác đang trong giai đoạn thu hoạch.

Ổn định đầu ra nhờ liên kết

Nhờ liên kết và sản xuất đúng theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp và doanh nghiệp (DN), năm nay, tổ hợp tác được DN ký hợp đồng hợp tác và thu mua để xuất khẩu sang 2 thị trường khó tính là Mỹ và Australia.

Ông Trần Phước Sơn - Tổ trưởng THT Trạng Tí Garden cho biết, những nông dân trong tổ hợp tác đã liên kết, đồng lòng hỗ trợ lẫn nhau canh tác đúng quy trình, kỹ thuật để tạo ra những quả Thanh nhãn chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đây là hướng đi được THT hướng đến nhằm tạo ra đầu ra ổn định cho sản phẩm.

“Những vườn nhãn của Trạng Tí Garden được nông dân đầu tư và đạt tiêu chuẩn VietGap. Đạt tiêu chuẩn này, thì các vườn nhãn đã được kiểm soát bởi Chi cục bảo vệ thực vật. Trạm bảo vệ thực huyện cứ 10 ngày thì cung cấp thông tin thời tiết nông vụ. Trạm bảo vệ thực huyện cũng sẽ đến kiểm tra việc xử lý phân thuốc, nếu mình vi phạm thì họ lập biên bản xử lý, giấy công nhận VietGap của Tổ hợp tác sẽ bị thu hồi nếu vi phạm. Mình quyết tâm mình làm cho chất lượng. Khi có chất lượng rồi thì DN sẽ đến với mình” - ông Sơn chia sẻ và cho biết thêm, THT cũng phải đảm bảo chất lượng trong quá trình thu hoạch theo tiêu chí của phía DN xuất khẩu để đảm bảo tính liên kết bền vũng.

“Mình phải đảm bảo chất lượng, chủng loại phải đồng điều theo đơn hàng của họ. Phía công ty cũng sẽ có kiểm tra định kỳ, thậm chí đơn vị phía quốc gia nhập khẩu sản phẩm cũng sẽ đề nghị kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên. Kích thước trái, độ chín của trái khi thu hoạch phải đạt theo tiêu chuẩn. Trong 1 chùm nhãn thì trái không chín đều. Khi thu hoạch, nhân công phải lựa cắt từng trái, phải cắt sát cuốn nhưng phải còn cuốn. Do đó, mỗi nhân công thu hoạch nhãn một ngày chỉ được khoảng 70kg. Tiền công thu hoạch tính ra khoảng 10.000 đồng/kg. DN thu mua về còn qua khâu sơ chế. Sau đó, nhãn sẽ được kiểm dịch, chiếu sạ. Một lô hàng khi chiếu sạ mà có một trái có vấn đề thì toàn bộ lô hàng bị hủy bỏ và cơ sở sơ chế bị lập biên bản. Nếu tái phạm cơ sở sơ chế bị rút giấy phép” - ông Sơn thông tin.

chu-thich-anh-bai-tren.jpg
Lô nhãn đầu tiên của Tổ trưởng THT Trạng Tí Garden chuẩn bị xuất sang Mỹ. Ảnh: T.Tiến.

Không để đứt gãy chuỗi liên kết

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cần Thơ cho biết, những năm gần đây, vấn đề liên kết tiêu thụ, đặc biệt trong ngành hàng cây ăn trái ở Cần Thơ diễn ra rất sôi động, nhất là đối với nhiều cái loại cây ăn trái có giá trị như sầu riêng, vú sữa, thanh nhãn. Khi thiết lập mã vùng trồng, các DN đều mong muốn liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để phục vụ cho thị trường xuất khẩu và cũng đã hình thành một số chuỗi liên kết khá chặt chẽ với nông dân. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện một số mối liên kết không bền vững do chưa hài hòa lợi ích giữa đôi bên.

“Ràng buộc pháp lý giữa DN và bà con cũng chưa chặt. Đặc biệt, vào thời điểm giá tăng cao thì bà con cũng không bán cho DN do thỏa thuận giá chưa có hài hòa. Lúc này, xuất hiện bên thương lái vào tranh mua, tranh bán. Tình hình đó thì cũng đặt ra nhiều vấn đề trong câu chuyện liên kết hiện nay” - ông Nghiêm nói.

Trong khi đó, theo ông Trần Phước Sơn, để không đứt gãy chuỗi liên kết, THT và DN xuất khẩu là Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu VINA T&T ký hợp tác trên nguyên tắc có thoả thuận điều chỉnh giá trong quá trình thu hoạch.

“Ví dụ đầu mùa, DN thu mua thanh nhãn với giá 80.000 đồng/kg. Bây giờ vào chính vụ, giá giảm, 2 bên ngồi lại bàn bạc và thống nhất giá 70.000 đồng/kg. Từ đó, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nông dân trong THT và DN. Và tôi cũng yêu cầu nông dân trong tổ hợp tác phải giữ chữ tín, bán cho DN cho dù thương lái bên ngoài có đến chào giá cao hơn. Làm ăn phải uy tín mới lâu dài và bền vững” - ông Sơn nói.

Đồng tình, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu VINA T&T cho biết, nông dân và DN phải thấu hiểu nhau để liên kết bền vững. Thương lái bên ngoài có thể chào giá thu mua sản phẩm vùng liên kết cao hơn để phá vùng liên kết nhưng có thể chỉ thua mua một vài tấn chứ không tiêu thụ hết.

“Chúng ta phải thấu hiểu nhau. Hàng hoá DN thu mua của bà con không phải chúng tôi ép giá đâu. Khi mà ra thị trường quốc tế, chúng ta cạnh tranh với rất nhiều nước khác. Do đó, giá cả chúng ta phải hợp lý thì chúng ta mới tiêu thụ được. DN có thể thu mua đầu mùa cho bà con với giá thoải mái vì đầu mùa sản lượng ít. Giữa mùa, khi hàng hóa lên đến hàng chục, hàng trăm tấn thì không thể có giá quá cao như bà con mong ước được. DN không phải đến mua rồi qua đến Mỹ luôn. Nhiều khi bà con thấy bên Mỹ đăng lên giá 9 đô, 10 đô/kg, bà con nói khúc ở giữa DN ăn là không phải. Vì sản phẩm thu hoạch xong còn phải về nhà máy sơ chế, lọc bỏ, đóng gói rồi còn hao hụt trên đường đi. Rồi còn nhiều rủi ro xảy ra. Một lô hàng chục tấn, khi phía Mỹ kiểm tra một trái có vấn đề thì nguyên lô hàng bị huỷ. DN cũng không thể trả lại lô hàng cho bà con” - ông Tùng phân tích.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Việt Nam có dân số đông nên đất đai sản xuất cũng manh mún. Do đó, cần phải liên kết với nhau để phát triển bền vững. Cây ăn trái hay lúa, thuỷ sản, các loại cây công nghiệp… nếu chúng ta không liên kết thì chúng ta vẫn bán được hàng nhưng giá thấp, không thể tái đầu tư rồi chúng ta tự tiêu diệt mình. Chúng ta vẫn thiếu tinh thần kết nối với nhau, vì ai cũng muốn có lợi nhuận nhiều hơn. Trong kinh doanh, lúc thắng cũng phải chia ra, lúc thua cũng phải chia ra. Nếu như có sự đồng thuận như vậy thì mới có được hiệu quả cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết để phát triển chuỗi giá trị nông sản