Với vai trò là hạt nhân liên kết vùng, TPHCM đang góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đặt trong mối quan hệ với các địa phương của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM được xem là địa phương mắt xích kết nối các tỉnh - thành phố công nghiệp.
Tuy nhiên, công nghiệp của thành phố đang có dấu hiệu chững lại. Đơn cử, tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao của thành phố mới chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của thành phố. Công nghiệp chủ yếu gia công, lắp ráp chiếm tỷ trọng cao, giá trị gia tăng thấp, công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên. Điều này vô hình trung dẫn đến năng lực cạnh tranh giảm, đối mặt nhiều thách thức lớn, làm suy yếu vai trò trung tâm công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Theo ông Bùi Đào Thái Trường - Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam, phát triển công nghiệp TPHCM phải gắn liền với phát triển vùng. Thành phố muốn đẩy mạnh tăng trưởng ngành công nghiệp, trước tiên phải phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao gồm bốn nhóm ngành chủ lực và bốn nhóm ngành tiềm năng.
Cụ thể 4 nhóm ngành chủ lực gồm: ngành công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, vi mạch điện tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chíp, pin công nghệ mới, vật liệu mới; ngành hóa chất; ngành cơ khí chính xác, tự động hóa, robotics; ngành chế biến thực phẩm và đồ uống. Còn 4 nhóm ngành công nghiệp tiềm năng gồm: ngành công nghiệp sinh hóa, dược phẩm, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao. Ngoài ra, thành phố sẽ mở rộng các ngành công nghiệp mới và tạo lập hệ sinh thái các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp tiềm năng.
Lãnh đạo TPHCM cũng mong muốn duy trì sự đóng góp của thành phố vào nền kinh tế quốc gia, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng. TPHCM đặt mục tiêu nâng tỷ trọng ngành công nghiệp lên 40% vào năm 2030. Hiện thực hóa mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050 biến TPHCM trở thành đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững, trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, để trở thành đô thị toàn cầu, trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, thành phố cần phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung vào các ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Chú trọng phát triển công nghiệp dựa trên các nền tảng đổi mới, sáng tạo; nâng cao giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Hướng công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trọng tâm phát triển, dẫn dắt toàn khu vực Đông Nam Bộ.
Theo ông Mãi, hiện nay, cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm với môi trường hơn. Vì vậy, để phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh kết hợp chuyển đổi số. TPHCM phải tập trung mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào tự động hóa, đầu tư vào các nhà máy thông minh và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị cho sản phẩm…
Trong khi đó theo ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, để chuyển đổi công nghiệp theo xu hướng của thế giới, TPHCM đã và đang triển khai nhiều chính sách chuyển đổi công năng các khu công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Bên cạnh đó, thành phố cũng ban hành kế họach hành động tăng trưởng xanh với 14 giải pháp như: đầu tư trang thiết bị, ưu tiên chính sách vốn, thuế, cho thuê đất...
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, bà Kiva Allgood - Giám đốc Trung tâm Sản xuất tiên tiến và chuỗi cung ứng, thành viên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) là chìa khoá mới cho ngành công nghiệp sau thời kỳ tự động hoá, robotics. TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung muốn phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao cần quan tâm đến công nghệ AI, quan tâm đến đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao...