Liên tiếp trong những ngày gần đây, 3 vụ bị ngộ độc rượu methanol lần lượt được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng không thể cứu vãn. Theo ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên- phụ trách Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, tình trạng ngộ độc methanol có xu hướng tăng gần đây.
Theo đó, ngày 7/9, một phụ nữ 43 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội, được gia đình đưa vào cấp cứu tại Trung tâm. Các bác sĩ không thể làm gì được: Bệnh nhân đã ngừng tim, tử vong trước đó. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu người bệnh lên tới 135,9 mg/dL. Người phụ nữ này đã mua rượu tại một cửa hàng bách hóa gần nhà, sau khi uống thì bị ngộ độc.
Cùng ngày, một bệnh nhân nam 49 tuổi ở Hải Dương cũng được chuyển đến BV Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, tổn thương não, huyết áp tụt. Nồng độ methanol trong máu là 132,6 mg/dL. Tiên lượng bệnh nhân nguy cơ cao tử vong.
Trước đó 3 ngày, một người đàn ông khác ở Hà Nội cũng được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, tổn thương não rất nặng. Một ngày sau người này cũng tử vong.
ThS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, không chỉ những kỳ cao điểm (mùa đông, Tết…) nhiều người bị ngộ độc rượu, ngày thường Trung tâm vẫn ghi nhận rải rác nạn nhân rượu methanol. Tuy nhiên, 5 ngày liên tiếp 3 bệnh nhân nặng vào viện, 2 người tử vong.
Vẫn theo BS Nguyên, methanol là chất độc, được hòa trộn vào rượu uống (rượu trắng). Người uống không hề biết mình đã uống nhầm rượu độc, đến khi được đưa vào viện thì thường đã quá muộn. Hàng giờ sau khi uống rượu, thậm chí hai ngày, nạn nhân mới có dấu hiệu ngộ độc với biểu hiện mờ mắt, hôn mê, mệt mỏi, đưa đi cấp cứu thì đã muộn. Nếu phát hiện bị ngộ độc methanol sớm, bệnh nhân được đưa vào viện kịp thời thì sẽ hạn chế các tổn thương não, di chứng mắt.
Tình trạng ngộ độc methanol có xu hướng tăng gần đây. 6 tháng đầu năm nay, số nạn nhân ngộ độc methanol đã bằng cả năm ngoái. Bệnh nhân không chỉ ở Hà Nội mà cả các tỉnh khác như Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên…
Số lượng bệnh nhân thực tế có thể nhiều hơn, vì xét nghiệm xác định methanol không phải viện nào cũng thực hiện được. Tỷ lệ tử vong cao, lên đến 20-30%. Những trường hợp cứu sống được cũng hết sức tốn kém, đa phần đều bị di chứng thần kinh kéo dài, mù mắt, tổn thương não…, chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng.