Sức khỏe

Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm: Giám sát bếp ăn tập thể

An Thái 05/04/2024 08:24

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại một số địa phương khiến người dân lo lắng. Điều này đặt ra yêu cầu về giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn tập thể, nhà hàng dịch vụ và bếp ăn bán trú các trường học.

bai-chinh.jpeg
Tăng cường kiểm tra giám sát thức ăn đường phố tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Kim Hà.

Đơn cử trong tháng 3 vừa qua, có tới 2 vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Vụ ngộ độc thứ nhất xảy ra ngày 11, 12/3, sau khi ăn cơm gà tại một quán ăn trên đường Bà Triệu (TP Nha Trang) hàng loạt người có triệu chứng bị ngộ độc. Sở Y tế Khánh Hòa cho hay, có tới 369 người đã phải đến các bệnh viện để khám, điều trị; tổng số ca nhập viện điều trị là 253 ca; tất cả các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm đã được điều trị khỏi bệnh và được ra viện.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa, sau khi tiến hành điều tra tại quán cơm gà Trâm Anh xác định nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc là các bữa ăn trưa, chiều ngày 11 và 12/3 do vi các sinh vật Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus gây ra.

Tiếp đó ngày 29/3, sau khi ăn cơm gà bán trước cổng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (đường Hàn Thuyên, phường Xương Huân, TP Nha Trang), nhiều học sinh có triệu chứng ngộ độc như nôn ói, đau bụng... phải nhập viện điều trị.

Mới đây, lại xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm tập thể sau ăn bánh mì chay ở Bình Dương. Cụ thể, tại Lễ hội Cộ Ông Bổn (Bình Dương) đoàn múa lân được người dân phát từ thiện bánh mì, bánh bao để ăn sáng, sau đó một số người bị ngộ độc thực phẩm. Trung tâm Y tế TP Thuận An cho hay, đã tiếp nhận 49 người nhập viện nghi ngộ độc thức ăn, với triệu chứng ban đầu rối loạn tiêu hóa (nôn, đau bụng, tiêu chảy…). Các triệu chứng bệnh xuất hiện khoảng 1-2 giờ sau khi ăn bánh mì, bánh bao được cấp phát từ thiện. Cho đến nay, trong tổng số 49 người nhập viện, có 6 người đã xuất viện, 43 người ổn định, tiếp tục nằm điều trị, theo dõi, sức khỏe hiện đã ổn định.

Trước thực trạng liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế ) vừa có văn bản yêu cầu các địa phương giám sát, xử lý nghiêm vi phạm. Phân tích nguyên nhân, Cục An toàn thực phẩm cho rằng, trước hết do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…). Cùng đó, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…

Để chủ động bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm TPHCM, Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh… phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, giám sát nguy cơ ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, chú trọng thời gian từ tháng 4 - 8. Trong đó cần chú ý ngộ độc do nấm độc vào mùa Xuân Hè, ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên (nhất là các tỉnh/thành phố khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên); chú ý ngộ độc do các loại thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, so biển, ốc biển lạ (nhất là các tỉnh/thành phố ven biển)…

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Đồng thời đề nghị tăng cường công tác thông tin truyền thông, chú ý kết hợp các hình thức, phương tiện truyền thông kỹ thuật số; chú trọng việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở các thông tin, cảnh báo nguy cơ mất ATTP trên địa bàn.

Ngoài ra cần chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc men và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm. Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm: Giám sát bếp ăn tập thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO