Lo xa chuyện... Tết

Bắc Phong 28/09/2023 07:23

Bộ Nội vụ đã thống nhất theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghỉ Tết Nguyên đán 2024 là 7 ngày liên tục, từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày 1/2/2024 (mùng 6 tháng Giêng); tức là từ ngày 8/2 đến ngày 14/2/2024. Tại thời điểm này, quý cuối cùng của năm 2023 cũng sắp bắt đầu. Lo tăng tốc kinh tế cuối năm và xa hơn cũng là lo Tết.

Năm 2023 là năm nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. 6 tháng đầu năm tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,72%; mức thấp nhất trong vòng 12 năm, vì thế mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là khó đạt. Nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng thấp là do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt quãng, xuất - nhập khẩu sa sút. Báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế mới đây được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo chỉ đạt 2,1%, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Việt Nam với độ mở kinh tế cao cũng bị tác động nặng nề.

Tuy nhiên, nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì xu hướng “kinh tế tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước” sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.

Mới đây, Ngân hàng UOB của Singapore đã công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế quý 4/2023. Trong đó, UOB đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP quý III/2023 của việt Nam là 5,6%; cao hơn đáng kể so với 2 quý đầu năm. Đáng chú ý, doanh số bán lẻ trong nước đạt mức tăng 10%. Đây là điểm sáng “bất ngờ” khi kinh tế toàn cầu chưa vượt qua khủng hoảng thì lại phải đối mặt với suy thoái khi sức mua giảm sâu.

UOB dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam là 5,2% cho năm 2023, trong đó dự kiến mức tăng trưởng GDP quý IV đạt 7,6%. Lạm phát cả năm dự kiến trên dưới 4%.

Tương tự, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng đa quốc gia Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 là khả quan; thặng dư thương mại vẫn đạt mức dương.

3 quý đầu năm 2023, đã chứng kiến nỗ lực vượt khó của cả nền kinh tế, trên tất cả các lĩnh vực mà nổi bật là xuất khẩu, đầu tư công, nông nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cả 3 yếu tố gồm: Tiêu dùng, đầu tư và chênh lệch xuất - nhập khẩu hàng hóa đều phục hồi. Đầu tư công và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng tích cực. Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực, tổng vốn đầu tư nước ngoài 8 tháng đạt 18,15 tỷ USD; tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam phải cẩn trọng với những “cơn gió ngược” từ thế giới. Vì thế, cần tập trung vào những giải pháp thúc đẩy "cỗ xe tam mã" là: Tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm.

“Tôi tin rằng với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, nền kinh tế vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu” - bà Hương nói.

Nhận định tăng trưởng 3 tháng còn lại của năm 2023, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đó là thời gian bứt phá. Nhận định đó dựa trên việc đơn hàng xuất khẩu đã quay trở lại, đầu tư công đẩy mạnh, lạm phát được kiềm chế, sức mua trong nước tăng. Kết thúc năm 2023 cho dù khó đạt được con số tăng trưởng GDP lý tưởng là 6,5% nhưng vẫn “chấp nhận được” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm sút.

Vậy, Tết Nguyên đán sắp tới, liệu chúng ta có một cái tết đủ đầy? Cũng khó mà đưa ra một dự báo chính xác nhưng với những gì đã qua trong 9 tháng có thể thấy nền kinh tế đất nước đã kiên trì “ngược dòng” nhờ vào sức chống chịu của nội lực cũng như các chính sách vĩ mô được điều hành linh loạt, hiệu quả. Tuy nhiên, để có một cái Tết ấm cúng trong bối cảnh khó khăn chung thì còn phải dựa vào sự nỗ lực phấn đấu của mỗi người, của toàn xã hội.

Nếu tính từ Tết năm 2020 khi đại dịch Covid-19 chính thức bùng phát, kinh tế khó khăn, thì chúng ta đã qua 3 cái Tết “tiết kiệm”. Tết Nguyên đán 2024 sắp tới hy vọng sẽ là cái Tết tươi vui hơn, chính thức khép lại chuỗi ngày khó khăn kéo dài mà cả nền kinh tế đất nước cũng như mỗi doanh nghiệp, mỗi người, mỗi gia đình đều phải “vượt bão”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo xa chuyện... Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO