Loay hoay cải tạo chợ truyền thống

LÊ ANH 08/09/2023 08:04

Trước tình trạng kinh doanh ế ẩm, tiểu thương rời bỏ mô hình kinh doanh truyền thống, TPHCM đã có kế hoạch cải tạo các chợ truyền thống hoặc chuyển đổi cách thức khai thác các trung tâm thương mại cũ để hiệu quả hơn. Dù vậy, việc cải tạo vẫn chưa được như kỳ vọng.

Tiểu thương ở chợ Phạm Văn Hai lâm vào cảnh ế ẩm. Ảnh: Hồng Phúc.

Ế ẩm vì “hét giá”

Chợ Bến Thành tọa lạc ngay trung tâm quận 1, TPHCM, không chỉ là chợ truyền thống lâu đời (xây dựng từ năm 1912) của TPHCM mà còn được coi là “điểm đến” của du khách quốc tế. Thế nhưng, việc buôn bán, kinh doanh của chợ bị ảnh hưởng khi mới đây một số du khách nước ngoài lên tiếng phàn nàn về việc, một số ki ốt bán giá “trên trời”.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan - Phó Ban Quản lý chợ Bến Thành, sau khi rà soát, kiểm tra các phản ánh của du khách, Ban Quản lý chợ đã làm việc với tiểu thương và họ thừa nhận “đã có hành vi không đúng với nội quy của chợ và cam kết không tái phạm”. Ban quản lý chợ Bến Thành đã quyết định xử phạt với tiểu thương, với hình thức tạm đình chỉ kinh doanh 7 ngày.

Được biết, đây là trường hợp tiểu thương thuê lại mặt bằng và mới chỉ kinh doanh tại chợ Bến Thành từ vài tháng trở lại đây. Không chỉ bị tai tiếng vì bán giá “ảo” gấp nhiều lần giá trị thực, một số chợ truyền thống còn bị kiểm tra vì bán hàng gian, hàng giả.

Điển hình, ngày 7/8/2023, Đội Quản lý Thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường TPHCM) khi tiến hành kiểm tra đồng loạt các cơ sở kinh doanh tại một số chợ, điểm chứa hàng hóa, kể cả trung tâm thương mại, đã phát hiện trên 41.000 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Một số cơ sở kinh doanh là đầu mối thường xuyên “lấy hàng sỉ” từ các chợ đầu mối hoặc chợ truyền thống để bày bán công khai các sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn chứng từ.

Theo đại diện Đội Quản lý Thị trường số 2, tại một số cơ sở kinh doanh như tiệm H.Q (phường 11, quận 8) đã phát hiện gần 5.500 đơn vị sản phẩm hàng hóa là máy xông hơi da mặt, máy uốn tóc, phụ liệu làm tóc... không có xuất xứ, hóa đơn, chứng từ.

Một điểm kinh doanh khác khu vực chợ quận 8 thuộc về Công ty TNHH MTV LMP (phường 11, quận 8) đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý thị trường còn phát hiện tới hơn 17.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa là đồ ngũ kim các loại chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, không xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Không những mang tai tiếng vì “hét giá” và kinh doanh hàng kém chất lượng, một số tiểu thương tại các chợ truyền thống còn chịu cảnh ế ẩm, thua lỗ, phải chuyển đổi điểm buôn bán hoặc thậm chí “bỏ nghề”.

Chị Phạm Thị Nguyệt (37 tuổi, tiểu thương chợ Tân Lập - kinh doanh sạp chợ quần áo xuất khẩu đã sang nhượng lại kiot kinh doanh kể từ đầu năm nay) cho biết, không chỉ gặp khó khăn sau dịch Covid-19, các tiểu thương ở chợ truyền thống còn phải cạnh tranh với các loại bình bán hàng qua mạng facebook, TikTok, Zalo...

Chuyển đổi mô hình kinh doanh cũ

Việc kinh doanh ế ẩm của các chợ truyền thống được TPHCM đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều các trung tâm thương mại mới mọc lên. Thậm chí, HĐND thành phố từng thực hiện chương trình chuyên đề với chủ đề về thực trạng quản lý kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố để tìm kiếm các giải pháp, hiến kế chuyển đổi mô hình kinh doanh mới cho chợ truyền thống.

Theo TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM, khoảng 20-30 năm trước chợ truyền thống đã phải cạnh tranh rất gay gắt với các mô hình siêu thị của Saigon Co.op hay hệ thống siêu thị Hà Nội. Hệ thống Metro, sau này là hệ thống đại siêu thị VinMart, vốn có nhiều tiềm lực tài chính và nguồn lực. Thời gian gần đây, chợ truyền thống tiếp tục phải chịu sự cạnh tranh gần như không cân sức với các loại hình bán hàng qua ứng dụng TikTok, Zalo, Facebook, Twiter… nên càng khó khăn hơn. “Chợ truyền thống còn tồn tại cho đến ngày nay là do vẫn đóng vai trò quan trọng là một phần không thể thiếu của thói quen tiêu dùng của người dân. Lợi thế của chợ truyền thống là điểm buôn bán, kinh doanh khá gần gũi, giá cả phải chăng, đa dạng các mặt hàng thiết yếu... để người tiêu dùng lựa chọn. Thế nhưng, các lợi thế này đang dần bị mất đi do người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề tiện ích hay vệ sinh thực phẩm” – bà Sâm phân tích.

Việc cải tạo chợ truyền thống là vấn đề sống còn của mô hình kinh doanh tồn tại từ lâu. Kể từ đầu năm 2022, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM đã nghiên cứu phương án cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành (quận 1) để trình UBND TPHCM xem xét, quyết định.

Việc chỉnh trang không dừng lại ở sửa chữa, nâng cấp các hạng mục xuống cấp, hệ thống cấp - thoát nước, chiếu sáng, cấp điện, phòng cháy chữa cháy, mà còn hướng đến tập huấn, chuyển đổi mô hình kinh doanh có tính kết nối cao và gần với sự phát triển thương mại điện tử ngày càng phổ biến.

Không dừng lại ở đó, Sở Du lịch TPHCM còn muốn chợ Bến Thành trở thành một trong những điểm đến xứng tầm của ngành “công nghiệp không khói” của thành phố trong những năm tới đây. Ngoài chợ Bến Thành, UBND quận 1 cũng đã đề xuất phương án cải tạo chợ Gạo, là một trong các chợ truyền thống lâu đời ngay tại trung tâm TPHCM. Việc kêu gọi đầu tư, cải tạo chợ Gà, Gạo được UBND TPHCM rất quan tâm, thế nhưng lãnh đạo UBND quận 1 cho biết, việc triển khai đầu tư đã gặp rất nhiều khó khăn trong vài năm qua. Nguyên nhân do bài toán tái định cư và tính toán phương án xây dựng khu vực chợ hiện hữu phải phù hợp với quy hoạch chung, đồng thời cũng phải đảm bảo cuộc sống của hơn 1.000 nhân khẩu trong diện ảnh hưởng.

Liên quan đến cơ chế, chính sách về vấn đề này, mới đây UBND TPHCM ban hành quyết định sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố. Trong đó, Chủ tịch cấp quận, huyện được quyết định dự án công dưới 45 tỷ đồng đến 120 tỷ đồng nhằm gỡ khó về vốn cho các công trình giao thông, y tế, giáo dục ở địa bàn. Chủ trương mới sẽ giúp các quận, huyện và TP Thủ Đức chủ động hơn trong các phương án xã hội hóa để cải tạo các chợ truyền thống trên địa bàn, đơn vị mình quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay cải tạo chợ truyền thống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO