Kinh tế

Logistics xanh để phát triển bền vững

THANH GIANG 19/05/2025 08:00

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, ngành logistics Việt Nam chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ, từng bước khẳng định vị thế là một trung tâm dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những thách thức về yêu cầu hội nhập khắt khe hơn, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững và giảm phát thải carbon.

tren(2).jpg
Phát triển logistics xanh không chỉ là nhu cầu của riêng Việt Nam mà là xu hướng chung của toàn cầu. Ảnh: Đức Quang.

Thách thức và cơ hội

Giới chuyên gia cho rằng, thời đại của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP…, các doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải nâng cao tiêu chuẩn hoạt động, trong đó, yếu tố xanh trở thành yêu cầu bắt buộc. Xanh hóa không chỉ là xu thế phát triển toàn cầu, mà còn là điều kiện để DN duy trì lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn nhấn mạnh: “Ngành logistics đang phát triển mạnh và đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi cung ứng xanh là điều cần phải thực hiện ngay. DN muốn phát triển bền vững cần ứng dụng các giải pháp công nghệ và chuyển đổi sang mô hình logistics xanh.

GS Joseph Sarkis - chuyên gia hàng đầu về chuỗi cung ứng bền vững từ Học viện Bách khoa Worcester (Hoa Kỳ) nhận định: “Xanh hóa logistics không chỉ mang lại giá trị về môi trường mà còn giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí vận hành, tạo lợi thế thương mại lâu dài. Đây không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc”. Vị chuyên gia này khuyến nghị, các DN cần nhanh chóng triển khai những giải pháp công nghệ cụ thể như tích hợp năng lượng tái tạo, sử dụng phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, áp dụng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thông minh giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Ở góc độ DN, ông Lê Đức Khôi - CEO ITL Logistics cho hay: “Nếu chậm trễ trong việc xanh hóa ngành logistics, DN Việt sẽ đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi các hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu quốc tế”. Ông dẫn chứng, nhiều tập đoàn đa quốc gia như Lego, Daikin hiện nay đều đưa tiêu chí xanh làm điều kiện bắt buộc trong các gói thầu và hợp đồng hợp tác. Do đó, DN Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Thực tế, ITL Logistics đã và đang thực hiện nhiều giải pháp xanh như: lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại các trung tâm logistics, sử dụng phần mềm điều phối thông minh giúp giảm thiểu các bước vận hành không cần thiết. Ngoài ra, còn áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu quá trình ghép hàng, điều xe, từ đó nâng cao hiệu quả vận chuyển và giảm chi phí. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang phương tiện thân thiện môi trường như xe điện, xe chạy bằng khí gas cũng được đẩy mạnh.

Tiềm năng logistics Việt Nam

Trong những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt khoảng 14-16% mỗi năm. Tỷ lệ DN thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60-70%, đóng góp từ 4-5% GDP cả nước. Theo xếp hạng Agility 2022, Việt Nam đứng thứ 11 trong số 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Một vị trí cho thấy sức hút ngày càng lớn của ngành đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2024, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam ước tính đạt hơn 570 triệu tấn, tăng khoảng 14% so với năm trước. Thế nhưng, các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu không nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, DN logistics Việt sẽ gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là khu vực châu Âu - nơi đang áp dụng các quy định chặt chẽ về phát thải và truy xuất nguồn gốc carbon.

Chia sẻ về định hướng phát triển, ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) khẳng định: “Phát triển logistics xanh không chỉ là nhu cầu của riêng Việt Nam mà là xu hướng chung toàn cầu. DN không chỉ cần đảm bảo hiệu quả vận hành mà còn phải chứng minh được khả năng tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường do thị trường quốc tế đặt ra”. Ông Khoa kêu gọi toàn ngành cùng hành động vì một nền logistics xanh, thông minh và bền vững. Từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ logistics thế giới. Những nỗ lực này sẽ góp phần định hình lại tương lai ngành logistics Việt theo hướng hiện đại và thân thiện môi trường.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), công nghệ và AI đang tạo ra làn sóng thay đổi lớn trong ngành logistics. “Tôi mong muốn, DN quan tâm nhiều đến phát triển xanh trong ngành logistics để không bị nhấn chìm trước làn sóng công nghệ. Bởi vì, DN đa quốc gia hiện nay không chỉ đặt hàng sản xuất xanh mà còn phải là logistics xanh. Nếu không có chứng nhận xanh, DN có thể bị văng ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu”- ông Hải bày tỏ quan điểm đồng thời cho rằng, ngành logistics Việt Nam đang dần hoàn thiện cả về hạ tầng lẫn nguồn nhân lực. Nhiều dự án trọng điểm như sân bay quốc tế Long Thành, cảng biển Cần Giờ, các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng… đang được đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay, cả nước có 2 trung tâm logistics lớn đặt tại Hải Phòng, TPHCM. Hai trung tâm logistics này đóng vai trò then chốt trong việc phân phối hàng hóa nội địa và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Logistics xanh để phát triển bền vững