Thay vì “bỏ trứng vào một giỏ”, ngành dệt may phải chủ động tìm kiếm thị trường các nước. Đặc biệt, bên cạnh việc tận dụng thuế quan tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải cố gắng đáp ứng đầy đủ về quy định xuất xứ hàng hóa.
Dệt may đứng trước nỗi lo về xuất xứ hàng hóa vì nguyên liệu đa phần là nhập khẩu.
Ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM khẳng định, 6 tháng cuối năm nay ngành dệt may tiếp tục ổn định nhưng hiệu quả và lợi nhuận của doanh nghiệp lại không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường xuất khẩu của các nước đều giảm vì kinh tế thế giới chưa thật sự ổn định. Nguyên nhân thứ hai là doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với các nước khác.
Ông Hồng so sánh hiệu quả của ngành dệt may trong và ngoài nước, tại các nước như: Campuchia, Malaysia,… chi phí sản xuất dệt may khá thấp nhưng quản lý không tốt vì vậy năng suất không cao. Ở Việt Nam, năng suất lao động của ngành dệt may cao hơn so các nước nhưng lại bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu các nước. Hiện nay ngành này phải nhập khẩu 70 - 80% nguyên liệu từ các nước.
“Mặc dù bị hạn chế về nguyên liệu cung ứng cho ngành dệt may song ngành dệt may Việt Nam vẫn cạnh tranh gay gắt và đang có sự trỗi dậy so với các nước xuất khẩu khác”- ông Hồng thông tin. Theo Hội Dệt may thêu đan TPHCM, 6 tháng đầu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt trên 14 tỷ USD, tăng 11% (năm 2016 tăng 6%). Hiện ngành dệt may đang phấn đấu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu của ngành cán mức 31 tỷ USD.
Hội Dệt may thêu đan thành phố cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra trong năm 2017 DN Việt cần phải nỗ lực tìm kiếm, phát triển thị trường hơn nữa. Sau một thời gian dài trông đợi vào Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bây giờ là thời điểm doanh nghiệp phải tự mở rộng thị trường thông qua nhiều hiệp định thương mại đa phương, song phương khác.
Đơn cử, từ khi Tổng thống Hoa Kỳ ký sắc lệnh rút khỏi TPP thì Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đang trở thành hy vọng lớn nhờ tính khả thi cao.
Khi Hiệp định này có hiệu lực (năm 2018), 71% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào EU được miễn thuế. Các dòng thuế còn lại tiếp tục xóa bỏ trong 7 năm sau đó. Đến năm 2025, 99% hàng hóa của Việt Nam vào EU được miễn thuế. Hiện nay sản phẩm dệt may vào thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao nhất là vest nam với 48%, trang phục nam 32%, áo đầm nữ 28%,…
Giai đoạn 2016 - 2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Hàng dệt may là mặt hàng chủ lực của Việt Nam cũng như của thành phố xuất khẩu sang hầu hết các thị trường trên thế giới. Nếu tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Việt Nam có cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu và giá trị gia tăng của mặt hàng này.
Nói về tỷ lệ tận dụng các cam kết của Việt Nam, bà Trịnh Thị Thu Hiền- Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng: “50% hàng dệt may đã tận dụng được ưu đãi thuế quan và có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi FTA. Số còn lại chưa thể tận dụng được vì không đáp ứng được xuất xứ hàng hóa hoặc đã giảm thuế quân rồi”.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, tận dụng được thuế quan giúp doanh nghiệp gia tăng thêm lợi nhuận. Đơn cử, áo khoác có mũ thuế suất nhập khẩu thông thường là 45% nhưng thuế suất nhập khẩu WTO là 30%; với hiệp định thương mại tự do Asean – Newzealand chỉ ở mức 10%, ở thị trường Liên minh kinh tế Á – Âu thuế suất nhập khẩu này là 0%. Rõ ràng việc tận dụng thuế quan đang tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thế nhưng việc tận dụng được các ưu đãi về thuế quan để mở rộng thị trường hay không lại phụ thuộc chủ yếu vào việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật thương mại... Trong đó, yêu cầu về quy tắc xuất xứ đang đặt ra thách thức và mối lo ngại cho các DN vì cung ứng nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ trong nước còn hạn chế. Chỉ khi đáp ứng quy định về xuất xứ, quy tắc cụ thể mặt hàng thì hàng hóa mới được cấp một C/O ưu đãi FTA.
“Hiện nay đang thí điểm cơ chế cho DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Hy vọng ngành dệt may cũng tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa như các DN sản xuất sữa trong nước”- bà Trịnh Thị Thu Hiền chia sẻ.
Rõ ràng, quy tắc xuất xứ đã, đang và sẽ luôn là vấn đề then chốt, cốt lõi của bất kỳ một hiệp định thương mại tự do, do vậy DN phải thực hiện đúng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các FTA. Có thực hiện đúng quy tắc xuất xứ hàng hóa mới nâng cao giá trị gia tăng và hàm lượng chế biến sâu trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, góp phần tạo nên sự tăng trưởng xuất khẩu bền vững cho nền kinh tế đất nước.