Ngày 13/6, tại buổi thảo luận kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ vì sao không kiểm soát giá thịt lợn, để giá thịt lợn liên tục leo thang? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, do dịch bệnh khiến tổng đàn lợn bị giảm 20%, lượng thịt giảm 9,6%, nguồn cung bị thiếu nên giá bị đẩy lên cao. Về giải pháp “hạ nhiệt” giá thịt lợn, ông Cường khuyến cáo người dân đừng chỉ ăn mỗi thịt lợn, mà cần đa dạng thực phẩm, vừa bổ dưỡng lại giảm áp lực cho ngành chăn nuôi.
Câu nói trên của người đứng đầu ngành nông nghiệp muốn ám chỉ rằng, do thói quen ăn thịt lợn trong bữa cơm hàng ngày của người dân dẫn đến cầu vượt quá cung, giá mới bị đẩy lên cao. Bộ trưởng Cường đặt vấn đề: Có lý gì chỉ tập trung ăn mỗi thịt heo tạo áp lực cho ngành chăn nuôi? Xin thưa với Bộ trưởng, việc người dân ăn gì là do sở thích chứ không phải là “tạo áp lực” cho ngành chăn nuôi.
Thay vì cho rằng khách quan là dịch tả lợn châu Phi làm chết tới 6 triệu con, hay là việc cho rằng người dân ăn quá nhiều thịt lợn dẫn đến thiếu nguồn cung, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần giải trình với các đại biểu Quốc hội bằng các giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm kéo giảm giá thịt lợn xuống. Đáng tiếc, sau khi tư lệnh ngành nông nghiệp giải thích, các đại biểu Quốc hội tự hiểu là trong thời gian ngắn tới đây, giá thịt lợn chưa thể giảm xuống mức bình thường được, mà phải đợi chí ít là đến quý IV/2020.
Thực ra việc Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường không thể lý giải một cách rõ ràng với các đại biểu Quốc hội cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, nếu ngành nông nghiệp có giải pháp để kiểm soát tình hình một cách hữu hiệu, thì trong suốt thời gian qua người dân đã không phải mua thịt lợn với giá “trên trời” như vậy. Chẳng phải đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hàng chục cuộc họp bàn giải pháp kéo giảm giá thịt lợn, nhưng rồi cứ càng họp, càng bàn thì giá thịt lợn càng cao đó sao?
Trong khi cơ quan quản lý nhà nước đang lúng túng chưa thể khống chế cục diện, thì các doanh nghiệp đầu mối lại thu bộn tiền từ việc giá thịt lợn bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Do thiếu nhạy bén với thị trường hay vì lý do nào đó, ngành nông nghiệp đã chậm nhập khẩu thịt lợn để bù đắp thiếu hụt của thị trường trong nước, dẫn đến việc mất kiểm soát không thể bình ổn giá. Và trong khi Bộ NNPTNT còn đang bàn, thảo, nâng lên, đặt xuống việc nhập thịt lợn, thì thị trường tự do đã tự thích ứng bằng việc nhập lậu.
Cũng chính từ việc chậm chạp trong việc nhập thịt lợn nên khi ngành này “quyết” cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, cũng là lúc giá lợn hơi ở quốc gia này bắt đầu nhúc nhích tăng lên 4.000-5.000 đồng/kg. Một số doanh nghiệp được phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan than rằng, việc giá lợn hơi của thị trường bạn tăng lên, cộng với hàng loạt thuế, phí, cước vận chuyển, hao hụt thịt do vận chuyển xa... đến cuối cùng giá thịt lợn cũng không giảm được bao nhiêu, nếu không tính toán cẩn thận còn bị lỗ.
Về nguyên tắc, kinh doanh là phải có lãi, đầu tư vốn càng nhiều thì thu lợi càng phải lớn. Song, với nỗi lo lỗ vốn của các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống khiến họ chần chừ trong việc thực hiện nhập khẩu lợn sống từ thị trường Thái Lan. Trước là cơ quan quản lý nhà nước chậm chạp, giờ đến doanh nghiệp chần chừ, biết bao giờ giá thịt lợn mới có thể được kéo giảm? Đó là lý do mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường không thể hứa chắc với các đại biểu Quốc hội là bao giờ thì bình ổn được giá thịt lợn.
Ngay cả khi các doanh nghiệp có nhiệt tình, tạm gác qua lợi ích của mình, vì xã hội mà nhập lợn sống về để bình ổn giá, thì hàng loạt loại thuế, phí ăn theo con lợn cũng không thể đưa giá thịt lợn về mức bình thường như lúc chưa xảy ra dịch bệnh. Theo tính toán sơ bộ của các doanh nghiệp, sau khi cộng tất tật mọi chi phí, giá lợn hơi về đến thị trường Việt Nam cũng đã ở mức 80.000-84.000 đồng/kg. Với mức giá này thì còn lâu mới có thể kéo giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg, chứ đừng nói đến mức 60.000 đồng/kg.
Và như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trả lời trước Quốc hội, giá thịt lợn cao không giảm được là do cầu vượt quá cung rất nhiều, bởi người dân có thói quen ăn nhiều thịt lợn. Nguồn cung bị thiếu hụt là do nguyên nhân khách quan dịch tả lợn châu Phi làm chết tới 20% tổng đàn. Tóm lại là ngành nông nghiệp và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường không hề có lỗi gì cả. Lỗi là do khách quan và chính là do thói quen của người dân. Tư lệnh ngành nông nghiệp muốn người dân hãy “thông thái” hơn bằng việc dùng đa dạng thực phẩm, vừa bổ dưỡng, vừa giảm áp lực cho ngành chăn nuôi.