Những năm gần đây, việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế đã mang lại những thay đổi tích cực, đặc biệt là trong việc triển khai hệ thống bệnh án điện tử. Mô hình này giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và làm giảm thiểu thời gian, chi phí, đem lại nhiều lợi ích; thậm chí tránh gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện triển khai bệnh án điện tử vẫn còn chậm.
Trước đó, trong quý II/2024, Thống kê của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam có gần 1.500 bệnh viện công lập, hơn 300 bệnh viện tư nhân, gần 70.000 phòng khám tư. Ghi nhận mới nhất cho thấy, đến thời điểm hiện nay cả nước có khoảng 100 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công bố đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định tại Thông tư số 46 ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế. Riêng tại Hà Nội, đã có 10 bệnh viện sử dụng bệnh án điện tử.
Theo lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử của ngành y tế, đến hết năm 2030, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử cho toàn bộ người dân, hướng tới loại bỏ bệnh án giấy.
Lâu nay, với hồ sơ bệnh án giấy, mọi thông tin khám, chẩn đoán, chữa trị của bệnh nhân trong một đợt điều trị được ghi chép bằng tay rất mất thời gian, tình trạng sai lệch thông tin vẫn còn xảy ra. Nhưng với hệ thống phần mềm bệnh án điện tử được sử dụng thống nhất, liên kết với tất cả khoa, phòng trong bệnh viện, bệnh nhân được quản lý bằng mã số.
Thực tế, nhiều cơ sở y tế đang triển khai bệnh án điện tử nhưng không công bố do chưa đáp ứng đủ tiêu chí. Cấu phần của bệnh án điện tử chia thành 3 giai đoạn. Thứ nhất là số hóa bệnh án; thứ hai là các công cụ tạo lập và quản lý dữ liệu; thứ ba là tạo lập liên thông dữ liệu bệnh án điện tử. Theo Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế), đa phần các bệnh viện đã triển khai phần 1 và 2, nhưng liên thông thì cần nhiều yếu tố như hạ tầng, đòi hỏi đầu tư lớn, cũng là trở ngại để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang bệnh án điện tử, bỏ bệnh án giấy.
Triển khai thành công bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ và mang theo tất cả loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh. Bệnh án điện tử giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh. Việc ra đời của Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử cho thấy, Bộ Y tế đã tiên phong trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai bệnh án điện tử trên quy mô cả nước đang diễn ra chậm, trong khi lợi ích của việc triển khai bệnh án điện tử rất rõ ràng.
Những khó khăn khi triển khai bệnh án điện tử cũng đã được ngành y tế chỉ ra như: Nhiều giám đốc bệnh viện chưa quyết liệt, còn trông chờ sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên. Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen, nề nếp làm việc truyền thống sang quy trình làm việc khoa học hơn, nên việc thay đổi này cũng là một trở ngại ở một số nhân viên y tế nhất là những cán bộ lớn tuổi. Kinh phí triển khai bệnh án điện tử còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu...
Theo dự kiến, Bộ Y tế sẽ chia nhỏ lộ trình theo mốc giai đoạn, các bệnh viện sẽ thực hiện từng tiêu chí, đáp ứng kịp tiến độ. Trước đây bệnh viện phải chờ đủ kinh phí mới thực hiện, rất mất thời gian. Nếu làm theo lộ trình từng bước, kinh phí sẽ giảm đi, sẽ dễ xin được nguồn kinh phí và bố trí nguồn nhân lực để làm, thời gian sẽ rút ngắn. Đây là giải pháp cốt lõi tháo gỡ cho việc phủ sóng triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc.