Theo ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDÐT – trước tháng 3/2020, địa phương phải thành lập Hội đồng và công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 trong danh mục SGK được Bộ GDÐT ký thông qua ngày 21/11.
Lựa chọn sách giáo khoa. Ảnh: Quang Vinh.
Lộ trình lựa chọn
Danh mục SGK lớp 1 gồm 32 cuốn ở tất cả các môn học bắt buộc được sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) được Bộ GDÐT chính thức công bố chiều 22/11 thể hiện sự thành công bước đầu của xã hội hóa giáo dục, theo nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương. Trách nhiệm sắp tới của các nhà trường và địa phương cụ thể như sau: Các Sở GDÐT phải tổ chức cho nhà trường tìm hiểu SGK; trước khi tìm hiểu SGK, phải tìm hiểu chương trình quy định các môn học, từ đó tiếp cận các nội dung SGK và biết được ý tưởng của tác giả khi thể hiện chương trình là như thế nào. Theo lộ trình đã được phê duyệt, từ tháng 3 đến tháng 5, Sở GDÐT cùng Nhà xuất bản (NXB) tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 1. Từ tháng 3 đến tháng 8, các trường tập huấn, các NXB triển khai chương trình in ấn và xuất bản.
Việc lựa chọn SGK sử dụng trong các cơ sở GDPT được quy định tại điểm c, khoản 1, điều 32 (SGK GDPT) Luật Giáo dục 2019: "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ÐT".
Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDÐT - cho biết: Bộ GDÐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định "cứng" là các UBND tỉnh phải chọn tất cả SGK của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ SGK cho địa phương. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được SGK phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương.
Trong dự thảo thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK, Bộ GDÐT đang lấy ý kiến của các địa phương có quy định cụ thể thành phần của Hội đồng lựa chọn để căn cứ vào đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện. Thành phần sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỉ lệ đa số là các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó ở cấp học. Dự thảo Thông tư về lựa chọn SGK của Bộ GDÐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn SGK bảo đảm tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương. "Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, đủ thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn SGK đáp ứng yêu cầu năm học mới" - đại diện Bộ GDÐT cho biết. Theo ông Thành, Bộ GDÐT sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các NXB thực hiện tốt các khâu lựa chọn SGK lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng SGK theo chương trình GDPT 2018, thực hiện việc in và phát hành SGK bảo đảm số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.
Có thể chọn SGK theo từng môn học
Hiện một số địa phương đã lên phương án cho việc thành lập Hội đồng Thẩm định SGK. Giám đốc Sở GDÐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Hà Nội đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai chương trình GDPT mới từ năm học 2020-2021. Sở đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội thành lập Hội đồng lựa chọn SGK; xây dựng tiêu chí lựa chọn SGK; cung cấp SGK đã được Bộ GDÐT phê duyệt cho cơ sở GDPT và Hội đồng lựa chọn SGK để nghiên cứu lựa chọn. “Sở đang tổ chức lấy ý kiến, đề xuất việc lựa chọn SGK. Sau khi Bộ GDÐT thông báo danh mục SGK, Sở sẽ thông báo danh mục đến giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, đồng thời hướng dẫn các cơ sở GDPT mua sách để sử dụng” – ông Dũng cho hay.
Theo lãnh đạo Sở GDÐT tỉnh Hà Nam, hiện tỉnh cũng đang tiến hành các bước để thành lập Hội đồng lựa chọn SGK. Sách được lựa chọn thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng GDÐT phê duyệt để sử dụng trong cơ sở GDPT. Tiêu chí cụ thể để lựa chọn là căn cứ vào điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội trong tỉnh để hướng tới việc sử dụng ổn định, tránh lãng phí. "Sở cũng đang lấy ý kiến để góp ý cho dự thảo Thông tư lựa chọn SGK. Có thể cân nhắc phương án chọn SGK theo từng môn học chứ không nhất thiết phải chọn nguyên một bộ sách nào vì chắc chắn, mỗi cuốn sẽ có mức độ phù hợp riêng với từng địa phương" - vị này nói.
Một số yêu cầu cơ bản mà tất cả các địa phương đều phải thực hiện trong việc lựa chọn SGK, đó là chọn đủ SGK cho các môn học, hoạt động giáo dục ở các khối, lớp phù hợp việc dạy và học của giáo viên và học sinh địa phương; đảm bảo nguồn cung ứng SGK được lựa chọn theo nhu cầu học sinh và các cơ sở giáo dục phổ thông; cung cấp đúng thời điểm và giá bán hợp lý. Trong đó, một vấn đề cũng đáng lưu tâm là theo các NXB, giá SGK mới chắc chắn sẽ tăng so với hiện hành. Các địa phương ở vùng sâu vùng xa cần tính toán đến yếu tố này trong lựa chọn sách để phù hợp với nhiều gia đình trên địa bàn. Ðịa phương, nhà trường cũng cần lên danh sách các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để đề xuất phương án án hỗ trợ SGK từ các NXB cũng như các đơn vị, cá nhân khác.
* Mỗi địa phương cần tiêu chí riêng: “Các địa phương cần xây dựng tiêu chí để nhấn mạnh nhiệm vụ trung tâm của mình khi thành lập Hội đồng lựa chọn sách. Như ở Ðức, mỗi năm, mỗi địa phương có quy định riêng cho phụ huynh mua sách cho con em mình. Ví dụ ở Berlin, không được yêu cầu phụ huynh mua quá 100 euro/ năm/ học sinh. Vì vậy, nhà trường phải tính toán, một năm học cần những cuốn sách nào, trong giới hạn ngân sách đó, chỉ mua được 7 hoặc 8 cuốn SGK. Những môn Thể dục, Trải nghiệm chủ yếu là hoạt động nên không có SGK. Vì nếu có, phụ huynh cũng không mua”. (TS Nguyễn Văn Cường, ÐH Postdam, Cộng hòa Liên bang Ðức).
* Giá SGK sẽ không tăng đột biến: Trả lời thắc mắc xoay quanh giá SGK, tại cuộc họp báo chiều 22-11, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ GDÐT cho biết: Tại Nghị quyết 88 của Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng cơ chế tài chính. Hiện nay, SGK ảnh hưởng đến phạm vi rất rộng đến từng gia đình. Thời gian tới, Bộ GDÐT sẽ phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu để báo cáo Chính phủ có cơ chế về SGK phù hợp, bảo đảm công bằng và tránh sự tăng giá đột biến.
* "Hội đồng Thẩm định Quốc gia vừa qua đã thể hiện rất rõ đánh giá ở mức đạt, mà chúng ta không xếp loại SGK theo thứ tự 1, 2, 3, 4. Những SGK được đánh giá “đạt” có giá trị pháp lý, có nội dung như nhau và thể hiện đảm bảo chương trình, tức đúng với chương trình. Tùy vào đặc điểm địa lý, văn hóa của địa phương từng vùng miền mà Hội đồng lựa chọn SGK tại địa phương đó lựa chọn cách tiếp cận nào của tác giả" (ông Thái Văn Tài).