Cơ quan quản lý cạnh tranh hàng đầu của Liên minh châu Âu vừa ra quyết định và đang tiến gần tới một cuộc điều tra về hàng loạt thương vụ của các đại gia công nghệ Mỹ mua lại các công ty khởi nghiệp nhỏ trong vòng một thập kỷ qua.
EU sẽ tiến hành rà soát và điều tra các thương vụ mua bán và sáp nhập của hãng công nghệ lớn.
Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Liên minh châu Âu, Margrethe Vestager cho biết: “Cơ quan quản lý sẽ tiến hành rà soát các thương vụ mua bán và sáp nhập của hãng công nghệ lớn để đảm bảo những thương vụ này không đi ngược quá trình cạnh tranh và thúc đẩy đổi mới”- theo Hãng tin CNBC. “Động thái này của EU đang nhằm vào những “gã khổng lồ” thống trị nền công nghệ thế giới như Google, Facebook, Amazon, Microsoft hay Apple có xu hướng ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ, có tính chất áp đặt đến nền kinh tế châu Âu”.
Việc giám sát và có thể dẫn tới một cuộc điều tra của Ủy ban cạnh tranh của Liên minh châu Âu đối với các tập đoàn công nghệ như Google, Facebook, Amazon… sẽ không chỉ trong thời gian ngắn mà có thể lật lại hồ sơ trong suốt một thập kỷ qua (2010-2019). Bao gồm cả các thương vụ M&A (mua bán-sáp nhập) nhỏ, vốn không được các cơ quan chức năng của Liên minh châu Âu chú ý.
“EU và các Ủy ban của họ lo ngại các hành vi “cá mập” trong việc những công ty công nghệ hàng đầu mua bán và sáp nhập các công ty công nghệ nhỏ hơn nhiều lần để tạo ra một xu thế cạnh tranh không lành mạnh. Nói thẳng ra đó là hành vi “cá lớn nuốt cá bé” trong chiến lược toàn cầu của những gã khổng lồ nấp sau các thương vụ M&A”- Kloser, Kinh tế gia người Đức nói với truyền thông sau động thái của EU.
Trong khi đó, báo cáo của CB Insights ghi nhận kể từ năm 2010, Apple đã thực hiện 20 vụ mua lại các công ty startup liên quan đến AI. Tiếp theo là Google với 14 và Microsoft với 10 thương vụ…
Đình đám nhất là Google khi hãng công nghệ này đã bỏ ra hơn 100 tỷ USD để thâu tóm một loạt các công ty nhỏ hơn trên toàn thế giới. Đầu tiên là việc bỏ ra 12,5 tỷ USD để mua Motorola Mobility – một thương vụ phần cứng lớn nhất từ trước đến nay của Google. Tiếp theo là thương vụ 1,1 tỷ USD để sở hữu một phần Công ty HTC hay bỏ ra 3,2 tỉ USD để mua lại Nest Labs - Công ty đã ghi dấu trên thị trường với những sản phẩm được đánh giá cao về trí tuệ nhân tạo như thiết bị điều chỉnh nhiệt độ Nest Learning Thermostat hay thiết bị báo khói Nest Protect.
Đó là chưa kể hàng trăm thương vụ nhỏ khác tập trung ở những khu vực khác nhau như EU, Ấn Độ, Nhật Bản… và các nước đang phát triển.
“Điều đáng nói, các công ty công nghệ lớn không chỉ mua những sản phẩm hữu hình, nền tảng công nghệ của các công ty khởi nghiệp. Họ mua tất. Từ thương hiệu, nhân sự nhất là những tài năng thuộc nhóm sáng lập, cho đến kế hoạch phát triển cộng đồng người dùng bằng mọi giá… Nó giống với hành vi thâu tóm hơn là mua bán và sáp nhập đơn thuần”- một đại diện Hiệp hội Cộng đồng doanh nghiệp M&A Australia nói với Reuters.
Chính vì thế, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho biết, có khả năng cơ quan này sẽ lật lại hồ sơ hàng trăm giao dịch thâu tóm của các đại gia công nghệ, trong bối cảnh cơ quan này bị chỉ trích vì quá “dễ dãi” cho phép các đại gia công nghệ mua lại đối thủ, tăng cường sự thống trị của họ trên thị trường.
Như vậy, trong nỗ lực ngăn chặn hành vi “cá mập” của những “gã khổng lồ”, các đề xuất của đại diện nhiều nền kinh tế lớn cũng như các nước đang phát triển đang kêu gọi các nước cùng ngồi lại để đưa ra các luật chơi chung, trong đó quy định rõ các hành lang pháp lý về việc xử phạt các công ty cố tình vi phạm luật cạnh tranh và thâu tóm.
Nhưng, đó là câu chuyện còn dài, vì đối đầu với những “ông lớn” giàu có không bao giờ là chuyện dễ dàng.
Nghiên cứu mới của Thomson Reuters cho thấy, tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn thế giới năm 2019 ước tính đạt gần 4.100 tỷ USD, tăng mạnh so với 3.500 tỷ USD năm 2017, gấp nhiều lần so với năm bùng nổ 2010. Trong đó, dẫn đầu xu hướng M&A vẫn là những cái tên quen thuộc như Facebook, Amazon, Microsoft, Google hay Apple.