Ngày 25/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Giáo dục đại học. Nhiều vấn đề bất cập trong việc thực hiện Luật Giáo dục đại học đã được các bộ ngành, địa phương và các trường ĐH đề cập, như vấn đề tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH với hoạt động thực chất của hội đồng trường, vấn đề phân tầng và xếp hạng ĐH…
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa với mô hình tàu thủy tham gia cuộc thi thiết kế và đua tàu mô hình lần thứ 3 với chủ đề “Sức trẻ và công nghệ”.
Gỡ bỏ nút thắt
Luật GDĐH được ban hành năm 2012 theo đánh giá của Bộ GDĐT và nhiều chuyên gia giáo dục, sau 5 năm thực hiện,đã bộc lộ những bất cập gây trở ngại cho các trường cũng như cơ quan quản lý.
Cụ thể, một số quy định của Luật về tự chủ ĐH, quản trị ĐH, quản lý đào tạo và quản lý nhà nước khiến Luật chưa đi vào cuộc sống... Chưa làm được việc xếp hạng ĐH do chưa thực hiện việc kiểm định trong toàn hệ thống; việc phân tầng ĐH cũng chưa thực hiện được; chưa rõ về liên kết đào tạo ĐH; về xã hội hóa GDĐH, khái niệm trường phi lợi nhuận… Đến nay mới chỉ có 23 trường ĐH thực hiện tự chủ.
Theo bà Vũ Thị Lan Anh- phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH lần này bao gồm 4 nhóm chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua như: Tự chủ ĐH; quản trị ĐH; quản lý đào tạo; quản lý nhà nước về giáo dục ĐH. 4 vấn đề này về cơ bản đã bao trùm toàn bộ các vấn đề của GDĐH ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, theo yêu cầu là xây dựng luật sửa đổi bổ sung của Luật GDĐH 2012 thay vì ban hành Luật mới nên cần tập trung rà soát những nội dung còn bất cập, từ đó đề xuất lựa chọn và tập trung vào những vấn đề bức thiết nhất.
Thứ nhất, bà Lan Anh cho rằng những nội dung sửa đổi phải khả thi, tức là có khả năng đi vào cuộc sống ngay khi được Quốc hội ban hành. Trong số những nội dung còn bất cập, cần tập trung vào những điểm nghẽn, những nút thắt để thực hiện đổi mới giáo dục ĐH toàn diện. Trong đó, cần lưu ý cập nhật những văn bản chủ trương chính sách ra đời sau khi có Luật Giáo dục ĐH ra đời.
Thứ hai, những sửa đổi này, theo bà Lan Anh, cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển nhân lực bậc cao và yêu cầu phát triển của đất nước. Để đánh giá được điều này cần xem xét lại tác động của Luật GDĐH trong 5 năm qua đối với các trường qua các báo cáo từ phía trường về Bộ GDĐT.
Yêu cầu thứ ba là sửa đổi cần đảm bảo tính hệ thống và đồng bộ, không chồng chéo, phù hợp với Luật GD với tư cách là luật chung.
Thứ tư, các sửa đổi phải phù hợp đảm bảo tính đổi mới và hội nhập, gắn với cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, chú trọng học tập kinh nghiệm của nước ngoài…
Từ những yêu cầu này, bà Lan Anh cho rằng cần tập trung sửa đổi trước hết ở chính sách về mở rộng phạm vi tự chủ ĐH. Đây là chính sách quan trọng nhất ảnh hưởng đến giáo dục ĐH trong nước hiện nay. Mục đích là hoàn thiện hơn nữa các chính sách hiện có, là cơ sở để các cơ sở GDĐH, đặc biệt là công lập được thực sự trao quyền tự chủ. Muốn vậy, Luật cần quy định cụ thể hơn về quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH và trách nhiệm đi đôi với quyền tự chủ. Gắn liền với nghĩa vụ và trách nhiệm giải trình với xã hội. Kiểm định chất lượng GDĐH chính là điều kiện tiên quyết để thực hiện điều này.
Ngoài ra, bà Lan Anh đề xuất các cơ sở GDĐH tự chủ hoàn toàn được áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp. Đối với các cơ sở công lập thực hiện theo lộ trình được Thủ tướng phê duyệt.
Để đạt hiệu quả trong đầu tư, cần thay thế cơ chế cấp phát đồng đều bằng cơ chế đặt hàng của Nhà nước theo sản phẩm đầu ra, có thể theo lĩnh vực sản phẩm đào tạo hoặc nghiên cứu khoa học. Điều này tạo ra sự canh tranh giữa các cơ sở. Thông qua cơ chế đặt hàng có thể phát triển các ngành Nhà nước cần nhưng khó thực hiện trên thực tế. Cần đổi mới chính sách học phí theo cách tính giá dịch vụ với sự đẩy mạnh của quỹ chính sách tín dụng sinh viên,… Thay vì tính học phí theo cách cũ thì tính theo giá dịch vụ, phù hợp với các luật mới được ban hành.
Phòng thí nghiệm Trường ĐH Nông lâm Thái Nghuyên.
Trao quyền cho hội đồng trường
Theo PGS Hoàng Minh Sơn- hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, Luật GDĐH sửa đổi phải quy định hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện quyền sở hữu đồng thời đại diện quyền lợi của các bên liên quan. Luật chỉ nên nêu quy định các thành phần đương nhiên của hội đồng trường bao gồm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên; còn các thành phần khác phải được bầu, bao gồm cả ứng viên hiệu trưởng phải trúng cử.
GS Nguyễn Trọng Hoài- phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM cũng cho rằng quy định tất cả các thành viên trong ban giám hiệu đưa vào hội đồng trường là quá nhiều, ban giám hiệu chỉ nên đại diện tham gia. Chủ tịch hội đồng trường không nên kiêm nhiệm các chức vụ lãnh đạo của trường để bảo đảm tính độc lập tương đối của HĐT trong việc giám sát các hoạt động của nhà trường.
Đại diện của ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng cho rằng, muốn tự chủ ĐH thì hội đồng trường trong trường công, hội đồng quản trị ở trường tư phải là hội đồng quyền lực, không phải là hội đồng tư vấn.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng hiện nay nhiều trường vẫn chưa có hội đồng trường. Nguyên nhân là để tìm được một Chủ tịch hội đồng trường tương đương hiệu trưởng không dễ. Cụ thể, nếu vai vế hội đồng trường không phù hợp thì hội đồng trường không có ý nghĩa. Bộ GDĐT đã ra chế tài nếu không thành lập hội đồng trường thì không được mở ngành tuyển sinh. Hội đồng trường là bắt buộc phải có để thực hiện tự chủ. Hội đồng trường nếu chưa trở thành hội đồng quyền lực thì chưa thể tự chủ tốt.
Nghiên cứu lại phân tầng, xếp hạng
Theo bà Lan Anh, cần quy định hợp lý hơn với thông lệ quốc tế về phân tầng xếp hạng giáo dục ĐH. Nếu thực hiện phân tầng thì việc xác định cứng trách nhiệm của cơ sở GDĐH hiện nay có thể cản trở tính linh hoạt của cơ sở khi muốn đồng thời phát triển cả hướng nghiên cứu và ứng dụng. tìm kiếm nguồn tài chính để phát triển…. Cần để các cơ sở có quyền tự xác định. Việc xếp hạng để các tổ chức độc lập xếp hạng, không phải các cơ quan nhà nước thực hiện nhưng có sự quản lý của nhà nước để công khai, minh bạch tránh bị lợi dụng.
Đồng tình với ý kiến này, GS Nguyễn Trọng Hoài- phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM cũng cho rằng chính sách phân tầng, xếp hạng cần cân nhắc, không nên đưa tiêu chí xếp hạng vào Luật, vì tiêu chí này phục thuộc vào triết lý của từng tổ chức xếp hạng khác nhau, không nên quy định cứng. Nên bỏ thẩm quyền công nhận xếp hạng trong Luật, vì tổ chức xếp hạng độc lập có uy tín thì sẽ được xã hội công nhận.
“Nếu chúng ta công nhận tổ chức xếp hạng thì không thể bao quát hết, nhất là những tổ chức quốc tế. Không nên phân tầng ĐH vì đã thực hiện tự chủ thì các trường đã ý thức được việc thực hiện sứ mạng, tầm nhìn của họ. Các tổ chức xếp hạng cũng sẽ nhìn vào việc thực hiện sứ mạng đó của trường để xếp hạng”- GS Nguyễn Trọng Hoài nêu.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga thừa nhận thời gian qua chưa làm được, tới đây sẽ phải làm. Vừa qua có tổ chức độc lập xếp hạng ĐH, Bộ GDĐT hoan nghênh dù đó là tự phát, chưa có cơ sở pháp lý. Tới đây sẽ có quy định cụ thể để làm, nhất là tham gia xếp hạng trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ GDĐH cho biết, theo kế hoạch tháng 1/2018 Bộ GDĐT sẽ trình Dự thảo sửa đổi Luật GDĐH lên Chính phủ và để trình tiếp Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2018. Theo kế hoạch, Trường ĐH Luật TP HCM là đơn vị được giao nghiên cứu triển khai xây dựng đề cương sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH. |