Biểu thuế lũy tiến quá dày, mức giảm trừ gia cảnh dù tăng nhưng vẫn chậm so với diễn biến của giá cả thực tế... là những bất cập chính được các chuyên gia chỉ ra trong thực hiện Thuế thu nhập cá nhân.
Gánh nặng với người làm công ăn lương
Thời gian vừa qua nhiều ý kiến đều cho rằng, Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay chưa thực sự công bằng đối với người làm công ăn lương, ưu ái đối với người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng Thuế TNCN hiện nay đang áp dụng đã lỗi thời cần phải sửa đổi cho phù hợp.
Cụ thể, người đi làm công ăn lương đang phải đóng thuế TNCN với mức cao nhất lên 35% thì với những cá nhân có thu nhập từ các mạng xã hội như Facebook, YouTube… chỉ phải đóng thuế TNCN ở mức 2%.
Chị H.C.T (Nguyễn Du, Hà Nội) cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng chị hiện nay khoảng 38 triệu đồng/tháng. Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ cho người nộp thuế gồm cả vợ, chồng tổng cộng là 22 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ người phụ thuộc cho con là 8,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, khoản giảm trừ gia cảnh không phải chịu thuế TNCN là 30,8 triệu đồng/tháng và vợ chồng chị vẫn phải nộp thuế 10% cho khoản thu nhập sau khi được giảm trừ khoảng 7,2 triệu đồng/tháng.
“Số tiền thuế TNCN mà vợ chồng tôi phải đóng khoảng 720.000 đồng/tháng, tính ra cả năm là khoảng 8,6 triệu đồng. Đây là khoản tiền không hề nhỏ bởi chi phí sinh hoạt hiện nay đều tăng, ở thành phố mọi thứ đều đắt đỏ”- chị T nói.
Trong khi đó, kết quả khảo sát từ một cơ quan truyền thông đối với 9 mặt hàng thiết yếu (thời điểm tháng 3/2022 so với tháng 3/2021) cho thấy: đường cát trắng tăng 67%; xăng RON 95 tăng 48%; gas tăng 35%; nước mắm 500 ml tăng 28%; mì gói tăng 25%; dầu ăn tăng 23%; bia tăng 13%; gạo tăng 6,7%, thịt heo ba chỉ giảm 27%... Bên cạnh đó, một số mặt hàng tiêu dùng khác có giảm giá (ví dụ: thanh long, bí đỏ, lợn hơi, cá lóc tại ao, nông sản tại vườn) nhưng chủ yếu là do việc xuất khẩu sang Trung Quốc bị tắc nghẽn.
Đầu năm 2022, Quốc hội thông qua mục tiêu điều hành vĩ mô là tăng trưởng GDP 6-6,5%, lạm phát bình quân 4%.Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bối cảnh thế giới và trong nước tại thời điểm xác định mục tiêu tăng trưởng và lạm phát nêu trên so với hiện nay đã khác rất xa. Nền kinh tế đang đối mặt với không ít thách thức như: chi phí sản xuất tăng, nhu cầu đầu tư thấp rất có thể dẫn đến tình trạng lạm phát kèm suy thoái.
Hay như chị T.Q.H, nhân viên hành chính một đơn vị sự nghiệp có thu ở Hà Nội mới nhận được thông báo của cơ quan về việc nộp Thuế TNCN năm 2021 và thông báo uỷ quyền nộp thuế. Cụ thể tổng thu nhập của chị năm 2021 là 224,6 triệu đồng, sau khi được giảm trừ 184,8 triệu đồng, chị H. phải nộp thuế 6,7 triệu đồng. Ngoài ra, thu nhập của chồng chị H khoảng 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), tổng thu nhập của hai vợ chồng năm 2021 qua là 332,6 triệu đồng. Nhưng do mua nhà trả góp, mỗi tháng gia đình chị đang phải trả 8 triệu đồng/ tháng. Tính ra thu nhập chính trừ đi phần trả lãi ngân hàng đã không còn nhiều mà phải trang trải đủ thứ sinh hoạt.
Thiệt thòi cho người nộp thuế
Từ năm 2020, cơ quan quản lý thuế đã điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng và mức giảm trừ người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng. Tuy nhiên, cách tính thuế TNCN mà cơ quan này đưa ra gây nhiều tranh cãi.
Nhiều chuyên gia cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng là "lạc hậu, vô cảm", nhất là trong bối cảnh kinh tế vừa qua đã tăng trưởng nhiều so với mức điều chỉnh này.
Đợt gần nhất mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng cũng là 7 năm. Vì thế giới chuyên gia cho rằng, quy định này nếu không sửa sẽ thiệt thòi cho người nộp thuế vì tỷ lệ lạm phát những năm gần đây chỉ khoảng từ 2-4%/năm nên thời gian điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sẽ từ 5-7 năm mới được thực hiện.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng, thu Thuế TNCN tính với người thu nhập cao song nên theo hướng người dân cần được tạo điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chi phí hợp lý cần được tính tới để giảm trừ cho người dân như tiền nhà (thuê hoặc vay mua nhà), nuôi con ăn học, chăm lo bố mẹ không có lương hưu, chi phí y tế, giải trí, du lịch… Thực tế, sống ở TP Hồ Chí Minh, nếu thu nhập của hai vợ chồng 50 triệu đồng/tháng, nuôi 2 con ăn học thì không được cho là cao, do chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Do đó, ông Hiển đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân lên 15 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ với người phụ thuộc cũng phải tăng. Thuế TNCN cần tính tổng thu nhập trừ chi phí, không chỉ tách tính riêng tiền lương, tiền công.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra suốt hơn 2 năm qua, người nộp Thuế TNCN không được hưởng chính sách hỗ trợ dù thu nhập của họ bị sụt giảm sâu... Trong khi đó, bản chất của chính sách thuế là điều tiết từ những người có thu nhập cao để hạn chế tối đa bất cân xứng thu nhập, chênh lệch giàu nghèo, củng cố nguồn thu ngân sách để thực hiện nghĩa vụ công. Nhưng cách tính Thuế TNCN hiện tại chưa đáp ứng được điều này, giới chuyên gia đánh giá.
Bên cạnh đó, cũng có phân tích rằng, biểu Thuế TNCN lũy tiến 7 bậc, với mức thuế cao nhất lên tới 35% hiện nay không còn phù hợp. Do đây là biểu thuế đánh vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động, nhưng mức thuế suất cao nhất hiện tại lại cao gần gấp đôi so với thuế thu nhập doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng biểu thuế này nên giảm còn càng ít bậc càng tốt nhưng phải xác định đúng ngưỡng thu nhập chịu thuế. Cụ thể, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết nên giảm chỉ còn 3-5 bậc thuế, hạ thuế suất của các bậc nhằm giảm áp lực cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương.
Vẫn theo ông Thịnh, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
PGS.TS Ngô Trí Long- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, hiện thống kê về chỉ số giá tiêu dùng chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày mà người dân phải chi trả. Chưa kể theo quy định, khi CPI tăng 20% thì mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh nên thời gian qua việc điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động chưa được kịp thời.
Theo ông Long, mức Thuế TNCN như hiện nay không hợp lý, quá nhiều bậc, rắc rối và cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Có thể nghiên cứu giảm bậc Thuế TNCN xuống còn 3 - 5 bậc và hạ thuế suất của các bậc xuống. Bởi quy định biểu Thuế TNCN lũy tiến như hiện nay với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cộng với thuế suất cao tạo gánh nặng, áp lực lớn đối với người nộp thuế.
Được biết, ngày 15/4 này là hạn cuối cùng để Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương để xây dựng đề cương báo cáo nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa Luật thuế TNCN.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị nội dung đánh giá kết quả đạt được của Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 (đã được bổ sung tại các Luật số 26/2013/QH13, Luật số 71/2014/QH13) trong hơn 10 năm qua so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng Luật (như đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập, động viên hợp lý thu nhập dân cư, phù hợp tình hình kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế, huy động nguồn thu ngân sách nhà nước…) bao gồm cả số liệu tổng quát thực tế.
Trao đổi với báo chí, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, cần phải sửa luật và việc này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình sửa đổi các luật thuế bắt đầu thực hiện ngay từ năm nay.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI:
Các vùng miền có mức chi tiêu khác nhau
Lương của người lao động được phân chia rất cụ thể, thành 4 vùng khác, với mức chênh lệch khá tương đối; giả thiết là với cùng một mức thu nhập nhưng ở các địa bàn khác nhau thì mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng nên khác nhau. Ở vùng sâu vùng xa, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động là 11 triệu đồng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng, tôi cho rằng rất dư giả, nhưng ở vùng thành thị - nơi có mức sống cao, mọi thứ đều đắt đỏ thì mức giảm trừ gia cảnh như vậy là không phù hợp.
Về bậc tính thuế TNCN, nên giảm từ 7 bậc hiện hành xuống 4-5 bậc; tăng khoảng cách bậc từ 5 lên 10 triệu đồng; giảm mức thuế với bậc 1 từ 5% hiện hành xuống 1-2%.
TS Cấn Văn Lực - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam:
Mức giảm trừ gia cảnh không còn hợp lý
Nhà nước nên xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân, vì mức hiện hành không còn hợp lý, khi thu nhập, nhu cầu mức sống tối thiểu của người dân, lạm phát đều tăng. Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh không rõ về tiêu chí càng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, trong bối cảnh Covid -19, nên điều chỉnh tăng giảm trừ với cá nhân kinh doanh, cụ thể không nên tính thuế từ 100 triệu đồng/năm mà nên đánh thuế từ ngưỡng doanh thu 150 triệu đồng/năm.