Ngày 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, so với lộ trình theo Nghị quyết thì chậm 1 năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp THCS, và 3 năm ở THPT. Vậy năm 2019 có đảm bảo thực hiện được không, cho nên cần cân nhắc, vì khôn
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình. Ảnh: TTXVN.
Ngày 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất lùi thời điểm triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới do Chính phủ trình.
Còn lúng túng
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết: Tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết 88 và Quyết định 404, thời gian thực tế cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến.
Nguyên nhân theo Bộ trưởng Nhạ, là do xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là một công việc mới đối với Bộ GD-ĐT và các chuyên gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nên công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc còn lúng túng. Quá trình dự thảo chương trình mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội.
“Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, cho phép giãn tiến độ 1 năm; thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020-2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021-2022”- Bộ trưởng Nhạ cho hay.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, dẫu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, nếu so với lộ trình được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội, việc áp dụng chương trình, SGK mới sẽ chậm lại 1 năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp THCS và 3 năm ở các lớp THPT.
Do đây là nội dung quan trọng, thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ và Bộ GD-ĐT cần đánh giá nghiêm túc những công việc đã thực hiện, xác định đầy đủ nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ so với kế hoạch ban đầu; tính toán kỹ lưỡng khối lượng công việc còn lại và thời gian cần thiết để thực hiện. Từ đó nghiên cứu, đề xuất một số phương án lùi thời gian bắt đầu áp dụng và phương thức triển khai chương trình, SGK mới; cung cấp đầy đủ thông tin về ưu điểm và hạn chế của các phương án để Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị làm rõ và báo cáo Quốc hội, việc lùi thời gian sẽ tác động như thế nào, vì tiền có thể tăng lên. Nhất là Hội nghị Trung ương 6 đã bàn đến sắp xếp và tinh giản biên chế cho nên ít nhiều gây khó khăn trong thời gian tới. Phải phân tích thuận lợi, khó khăn và Chính phủ sẽ làm gì để thực hiện chứ không thể sau này lại xin điều chỉnh là không được.
Không thể lùi tiếp
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, so với lộ trình theo Nghị quyết thì chậm 1 năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp THCS, và 3 năm ở THPT. Vậy năm 2019 có đảm bảo thực hiện được không, cho nên cần cân nhắc, vì không thể lại lùi tiếp.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, tinh giản biên chế sáp nhập sẽ nảy sinh những bất cập. Theo đó những nơi không đạt 50% tiêu chí thì phải sắp xếp lại, trong đó có việc sắp xếp lại các trường học. Lùi 1 năm hay 2 năm thì phải tính kỹ.
Giải trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, từ lúc làm Bộ trưởng đã rất quyết tâm bám sát kế hoạch nhưng cảm thấy không yên tâm nên báo cáo Chính phủ xin Quốc hội lùi để tránh việc mới ban hành lại phải sửa.
“Chúng tôi sẽ quyết tâm bởi nếu lùi dài sẽ chuẩn bị tốt hơn nhưng phải quyết tâm thực hiện nên Bộ chỉ xin giãn 1 năm. Quan trọng là phải quyết tâm chứ nếu không có quyết tâm thì 3-4 năm cũng không xong”- Bộ trưởng Nhạ hứa.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, Chính phủ phải đánh giá toàn diện theo Nghị quyết 88, trong đó nêu rõ mục tiêu đổi mới, yêu cầu đổi mới để phát triển toàn diện, khuyến khích học tập suốt đời. Đổi mới giáo dục phải tinh giản, hiện đại, thiết thực phù hợp với lứa tuổi và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và tiếp thu của học sinh, đổi mới phương pháp giáo dục, phát triển năng lực của người học. Trọng tâm là SGK cho nên phải cụ thể hóa yêu cầu, định hướng. Phải dành thời gian ban hành tiêu chí đánh giá SGK.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cập nhật thêm việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6. Đó là liên quan đến sắp xếp, đổi mới tinh gọn bộ máy nâng cao hiệu quả bộ máy, trong đó có giáo dục liên quan đến biên chế giáo viên để thực hiện cho đồng bộ.
“Nếu giáo viên sắp xếp lại có đảm bảo thực hiện dạy cả 3 cấp hay không, cơ sở vật chất cái nào chưa đảm bảo? Nếu lùi thì ngân sách sẽ tăng giảm ra sao?”- Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.