Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% từ ngày 1/7/2024. Sau điều chỉnh, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 200 nghìn đồng đến gần 300 nghìn đồng/tháng tùy thuộc vào vùng khác nhau.
Nguồn động viên lớn
Nghe tin năm 2024 sẽ được tăng lương, chị Nguyễn Thị Lương (42 tuổi) công nhân Công ty May (Thái Nguyên) rất vui mừng. Chị Nga cho biết, cận Tết, công nhân lao động lại càng khát được tăng lương. Từ nửa năm nay tiền lương của chị Lương bị giảm sâu. Trước đây, có tăng ca, lương của chị vào khoảng 12 triệu đồng, nhưng từ ngày công ty giảm đơn hàng lương của chị chỉ còn hơn 7 triệu đồng/tháng.
"Tiền lương 2 vợ chồng tôi không tăng mà giảm, nhà 4 người mà thu nhập chỉ được 14 đến 15 triệu đồng nên cuộc sống rất khó khăn. Chỉ mong lương sớm tăng, công ty bớt khó khăn công nhân được tăng ca có thêm thu nhập lo cho cuộc sống chứ cứ thế này không thể trụ được" - chị Lương nói.
Trên thực tế tiền lương tối thiểu mới đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu sống tối thiểu của gia đình chị. Bởi vậy nghe tin lương tăng người lao động (NLĐ) đều rất vui mừng. Không giấu được niềm vui, anh Nguyễn Duy Phương (25 tuổi) - công nhân Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam cho biết, thời gian qua do khủng hoảng kinh tế, nên đơn hàng của công ty giảm đi. May mắn không trong diện phải nghỉ việc nhưng anh Phương cũng đối mặt với muôn vàn khó khăn khi tiền lương tăng ca không còn, các khoản phụ cấp cũng cắt giảm nhiều.
Hiện nay, tiền lương của anh Phương chỉ được gần 10 triệu đồng/tháng. Chi phí cho tiền ăn, tiền thuê nhà, chi phí nuôi con cái học hành... khiến anh không còn tích lũy.
Anh Phương cho biết, vì khó khăn nên vợ chồng anh chị đã phải gửi con về quê. "Nếu để con ở đây mỗi tháng cũng phải mất thêm 3-4 triệu đồng. Gửi về quê ông bà trông giúp, mỗi tháng dư được từ 1-3 triệu đồng để phòng thân. Mong muốn lớn nhất lúc này của NLĐ lúc này là được thuê nhà ở công nhân giá rẻ. Tiếp đó, mong muốn Chính phủ tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng để bù đắp thu nhập cho công nhân lao động. Chính vì vậy, việc tăng lương rất có ý nghĩa với NLĐ” - anh Phương chia sẻ.
Nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động
Bình luận về mức tăng 6% ở góc độ đại diện NLĐ, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhìn nhận, mức tăng 6% là phù hợp trong bối cảnh NLĐ rất chia sẻ với doanh nghiệp (DN).
Theo ông Hiểu, những khó khăn và tình hình của năm 2024 còn rất khó đoán định. Nhưng với tinh thần chia sẻ, cùng hành động, bên cạnh việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên NLĐ nâng cao năng suất cùng với DN vượt khó. Công đoàn cũng mong muốn trong thời gian tới các DN tiếp tục mở rộng thị trường để tăng thêm đơn hàng, có việc làm cho NLĐ.
“Mức tăng lương tối thiểu 6% cơ bản đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả tăng cao, nhất là vào dịp giáp Tết đối với những mặt hàng thiết yếu thì NLĐ tiếp tục gặp những khó khăn. Nhưng trong điều kiện DN còn đang thiếu nhiều đơn hàng, chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ và chắc chắn rằng NLĐ cả nước cũng sẽ như vậy, để chúng ta cùng nhau có những kết quả tốt hơn trong năm tới” - ông Hiểu cho hay.
Từ góc độ DN, Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn nhìn nhận, với mức tăng 6% này đã được các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia trao đổi hết sức thấu đáo về nhiều vấn đề, đồng thời có xem xét tới ngắn hạn, trung hạn và khoảng 2 năm sau.
“Mức tăng 6% là phù hợp với tình hình chung về cả thuận lợi cũng như khó khăn của cộng đồng DN. Riêng đối với ngành da giày, mức tăng lương tối thiểu 6% là chấp nhận được” - ông Thuấn thông tin.
Tại phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng Tiền lương, phía Tổng Liên đoàn Lao động kiến nghị mức tăng lương tối thiểu từ 4,8 - 7,3%; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất tăng 4 - 5%; bộ phận kỹ thuật của hội đồng đưa ra 3 phương án là tăng 4%, 5% hoặc 6%. Sau nửa ngày thảo luận, hội đồng thông qua phương án tăng 6% cho cả lương tối thiểu áp dụng theo tháng và theo giờ.
Theo các chuyên gia lao động, tiền lương, tăng lương tối thiểu vùng cũng chỉ là một trong các giải pháp để cải thiện điều kiện sống cho NLĐ. Ngoài tăng lương tối thiểu, Chính phủ có thể xem xét đến các giải pháp hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho NLĐ, như tăng cường kỹ năng nghề; tăng cường hỗ trợ, trợ cấp...
Thực tế cho thấy, năng suất lao động được coi là chìa khóa cho sự tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2023 ước chỉ đạt từ gần 3,8% đến gần 4,8%, thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 5 đến 6%. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu này. Theo các chuyên gia, giải pháp hiệu quả nhất để nâng đời sống NLĐ chính là tăng năng suất lao động.
Theo đó, để cải thiện năng suất lao động phải có những bước đi mang tính bền vững, trong đó, cần tập trung vào việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều này vô cùng cấp thiết bởi tới đây thị trường lao động sẽ có sự dịch chuyển giữa các ngành nghề. Trong thời đại công nghệ, một số nghề truyền thống sẽ mất đi, nghề mới sẽ xuất hiện. Vì thế, chúng ta phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nếu không sẽ tụt hậu sâu hơn nữa.